- Con đứng xem,- tôi run lên đáp.
- Thế mà, - cha tôi nói, - nếu vì tự ái con phải đặt ít tiền vào chiếu bạc
thì cũng chẳng có gì lạ cả. Với con mắt thiên hạ thì hình như con cũng đã
đến tuổi để có quyền làm những chuyện bậy bạ. Vì vậy Raphaël ạ, ví bằng
con đã trót dùng đến tiền của cha thì cha cũng tha thứ cho con...
Tôi không đáp lại gì cả. Về tới nhà tôi trả lại cha tôi ví tiền và chìa khóa.
Khi vào trong buồng, ông cụ dốc chiếc ví lên lò sưởi, đếm, rồi vẻ mặt khá
tươi vui, cụ quay lại tôi mà nói, sau mỗi lời lại ngừng lại ít nhiều một cách ý
nghĩa:
- Con ạ, con sắp hai mươi tuổi đầu rồi. Cha rất hài lòng về con. Con cần
phải được cấp tiền tiêu hàng tháng, dù là chỉ để cho con học tập tiết kiệm,
hiểu biết sự đời. Ngay từ tối hôm nay, mỗi tháng cha cho con một trăm
quan. Cho con được tùy ý sử dụng món tiền đó. Đây là tiền quý đầu năm
nay, - ông cụ vừa nói thêm vừa vuốt tay lên một cọc tiền vàng, dường như
để kiểm lại số tiền.
Tôi thú thật là bấy giờ tôi sẵn sàng quỳ xuống chân cha tôi, khai với ông
cụ rằng tôi là một thằng kẻ cướp, một thằng đê tiện, hơn thế nữa, một tên
dối trá! Nhưng hổ thẹn giữ tôi lại. Tôi định ôm hôn cha tôi thì ông cụ khẽ
ngăn tôi lại.
- Bây giờ con là một người lớn rồi, con ạ - ông cụ nói. - Việc cha làm chỉ
là một việc thông thường và công bằng, con chẳng phải cảm ơn gì hết. Nếu
cha có quyền để con biết ơn, Raphaël ạ, - ông cụ nói tiếp, giọng dịu dàng
nhưng rất nghiêm trang, - thì là ở chỗ cha đã ngăn ngừa cho tuổi trẻ của con
khỏi những tai họa, nó gây tác hại cho hết thảy bọn thanh niên ở Paris. Từ
nay cha với con là đôi bạn. Một năm nữa con sẽ là tiến sĩ luật khoa. Không
phải là con không bị những phiền muộn và thiếu thốn để tiếp thu được
những kiến thức vững chãi và tính chuyên cần rất cần thiết cho những
người có triển vọng điều khiển công việc. Raphaël ạ, con hãy tìm hiểu cha