một bà hầu tước già nào. Mang bao nhiêu của báu trong bị mà chẳng gặp
một ai, ngay cả một cô gái nhỏ, cô thiếu nữ tò mò nào, để khoe cho họ hâm
mộ. Tôi thường muốn tự tử vì thất vọng.
- Cậu khá bi đát tối nay! - Emile thốt lên.
- Chà! Để cho tôi kết án cuộc đời của tôi, Raphaël đáp. Nếu tình bạn của
cậu không đủ sức để nghe những khúc bi ca của tôi, nếu cậu không cho tôi
được nửa giờ làm phiền cậu thì cậu cứ ngủ đi! Nhưng mà đừng có hỏi tôi
nữa lý do việc tự tử của tôi, nó gầm thét, nó ngóc dậy, nó kêu gọi tôi và tôi
chào đón nó. Muốn phê phán một con người, ít ra phải đi vào cái bí ẩn của
tư tưởng, của những bất hạnh, những cảm xúc của họ; chỉ muốn biết những
biến cố vật chất trong cuộc đời họ là làm cái niên biểu, cái lịch sử những
thằng ngốc!
Giọng cay đắng trong những lời nói đó làm Emile rất xúc động cho nên
từ đó anh chăm chú nghe Raphaël, mắt thờ thẫn nhìn bạn.
- Nhưng, - người kể chuyện tiếp tục,- bây giờ cái ánh sáng nhuốm màu
cho những biến cố đó đem lại cho chúng một vẻ mới. Cái sự thể mà xưa kia
tôi coi như một bất hạnh có lẽ đã tạo nên những năng lực tốt đẹp mà về sau
tôi lấy làm kiêu hãnh. Tính ham tìm hiểu triết học, công việc lao động thái
quá, tính ưa đọc sách, những cái đó, từ lúc tôi mới bảy tuổi cho đến khi
bước vào đời, luôn luôn làm bận rộn cuộc đời của tôi, chẳng đã rèn luyện
cho tôi cái khả năng dễ dàng, như các anh đã nói, trong việc diễn tả ý kiến
của tôi và tiến bước trên cánh đồng mênh mông những kiến thức loài người.
Cái tình trạng bỏ rơi mà tôi đã phải chịu, cái thói quen ức chế tình cảm và
sống với nội tâm đã chẳng tạo cho tôi cái năng lực so sánh, trầm tưởng đó
sao? Không để ngập mình vào những kích động xã giao làm nhỏ bé tâm hồn
thanh cao nhất và biến nó thành vật vô giá trị, nhuệ cảm của tôi chẳng đã
tập trung để trở thành cơ quan hoàn hảo của một ý chí cao hơn ý muốn của
dục vọng đó sao? Không được phụ nữ chú ý, tôi nhớ lại đã quan sát họ với
sự minh mẫn của mối tình bị hắt hủi. Bây giờ thì tôi đã thấy rõ, tính thành