học loài người, Valentin đã cầu cứu đến những lời phán định của y học hiện
đại. Nhờ tài sản và gia thế của anh, ba hệ thống tư tưởng mà kiến thức loài
người đang còn chưa ngã ngũ về phía nào đều hiện diện trước mặt anh. Ba
người trong các bác sĩ đó mang ở họ tất cả triết lý y học, đại diện cho cuộc
đấu tranh giữa thuyết Duy Linh, thuyết Phân tích và cái gọi là thuyết Chiết
trung nhạo báng gì đó. Thầy thuốc thứ tư là Horace Bianchon, một người có
tiền đồ, có khoa học, có lẽ là người xuất sắc nhất trong các thầy thuốc mới,
đại biểu khôn ngoan và khiêm tốn của đám thanh niên hiếu học sẵn sàng để
kế thừa bao nhiêu tài sản do Trường phái Paris tích lũy được từ năm mươi
năm nay, và có lẽ họ sẽ xây dựng cái công trình mà những thế kỷ trước đã
thu thập bao nhiêu tài liệu đủ loại. Là bạn của hầu tước và của Rastignac, từ
ít lâu nay anh đã chăm sóc cho Raphaël và giúp anh trả lời những câu hỏi
của ba vị giáo sư mà đôi khi anh đã trình bày với họ, có phần nhấn mạnh,
những triệu chứng anh thấy giống như của bệnh lao phổi.
- Chắc là ông đã làm nhiều điều thái quá, sống một cuộc đời phóng
đãng, ông lại theo đuổi những công trình lớn về trí tuệ? - Một trong ba bác
sĩ trứ danh bảo Raphaël, cái đầu vuông vắn, khuôn mặt nở nang, thể chất
cường tráng của ông dường như tỏ lộ một thiên tài ưu việt hơn hai đối thủ
của ông.
- Tôi đã muốn hành lạc để chết đi sau khi làm việc trong ba năm trời viết
một tác phẩm lớn mà có lẽ một ngày kia ông sẽ quan tâm tới, - Raphaël đáp.
Vị bác sĩ to lớn gật gù tỏ vẻ hài lòng, và hình như tự nhủ thầm: - Ta đã
biết mà? Bác sĩ đó là Brisset danh tiếng, thủ lĩnh phái Duy thể[1] người kế
tiếp của những Cabanis [2] và Bisa - người thầy thuốc của những tư tưởng
tích cực và duy vật, xem thấy con người là một thực thể hữu hạn, chỉ tuân
theo những quy luật về cơ cấu của bản thân nó, mà trạng thái bình thường
hay những dị thường nguy hại được giải thích bằng những nguyên nhân
hiển nhiên.