lông bạc lơ thơ; cụ có cái phong thái thật sự tự do khiến người ta cảm thấy
nếu ở Ý có lẽ cụ sẽ trở thành giặc cướp vì yêu cái tự do quý báu của cụ.
Đứa trẻ, một dân miền núi chính cống, có cặp mắt đen có thể nhìn thẳng
vào mặt trời mà không chớp, sắc mặt nâu sẫm, tóc nâu rối bù. Nó lanh lợi
và quả quyết, tự nhiên trong cử động như một con chim; quần áo tồi tàn,
qua những chỗ rách để lộ ra nước da trắng và tươi tắn. Cả hai người đều
đứng đó lặng im bên cạnh nhau, cùng do một tình cảm chung thúc đẩy, trên
mặt lộ ra những nét chứng tỏ một sự đồng nhất hoàn toàn trong đời sống
cùng an nhàn. Cụ già đã lây vẻ đùa nghịch của đứa trẻ, mà đứa trẻ thì lây
tính khí cụ già do một thứ hợp đồng giữa hai sức yếu, giữa một sức khỏe
gần tàn và một sức khỏe sắp phát triển. Chẳng mấy lúc sau, một người đàn
bà chừng ba mươi tuổi hiện ra ở ngưỡng cửa. Chị vừa đi vừa kéo sợi. Đó là
một người đàn bà xứ Auvergne, nước da tươi thắm, vẻ hớn hở, thật thà,
răng trắng, bộ mặt dân Auvergne, vóc người Auvergne đầu tóc, áo xứ
Auvergne, vú nở nang của đàn bà xứ Auvergne và cả ngôn ngữ của chị, một
mẫu lý tưởng trọn vẹn của địa phương, cần cù, dốt nát, tiết kiệm, chân thực,
tất cả đều ở đó.
Chị ta chào Raphaël, hai người chuyện trò, những con chó im tiếng, cụ
già ngồi xuống chiếc ghế dài dưới nắng, và đứa trẻ đi theo bám lấy mẹ,
nhưng nghe ngóng và ngắm nhìn khách lạ.
- Bác ở đây mà không sợ ư?
- Thưa ông, thì sợ vì cái gì kia, nếu chúng tôi chắn lộ vào thì ai mà tới
đây được? Chà! Chúng tôi chẳng sợ gì hết! Vả lại, - chị vừa nói vừa dẫn
hầu tước vào gian buồng lớn trong nhà, - kẻ trộm vào nhà chúng tôi thì lấy
được cái gì?
Chị ta chỉ những bức tường ám khói, trên đó tất cả trang trí chỉ là những
tranh tô màu xanh lơ, đỏ và xanh lá cây, vẽ Cái chết của ông Tín dụng[7],
Khổ nạn của Chúa Jesu[8] và Lính pháp thủ[9] đội cận vệ hoàng đế, rồi, đó
đây trong buồng, một chiếc giường gỗ hồ đào cũ có cột, một chiếc bàn chân