bị oằn, những ghế đẩu, cái thùng đựng bánh, mỡ treo ở dầm nhà, muối đựng
trong liễn, một cái chảo; và trên lò sưởi những đồ bằng thạch cao vàng khè
và tô màu. Ra khỏi nhà, Raphaël trông thấy giữa những núi đá một người
đàn ông tay cầm cuốc và cúi xuống, tò mò nhìn ngôi nhà.
- Thưa ông, bố nó đấy, - chị người xứ Auvergne nói và thoáng nụ cười
quen thuộc của những phụ nữ nông thôn.
- Nhà tôi cày ruộng trên đó.
- Thế cụ già đây là thân sinh ra bác à?
- Xin lỗi ông, đấy là ông của bố nó. Trông thế mà cụ đã một trăm lẻ hai
tuổi rồi. Vậy mà, bữa trước cụ đi bộ dẫn thằng cháu nhỏ ra tận Clermont
đấy! Trước cụ khỏe lắm, bây giờ cụ chỉ ăn và ngủ thôi. Lúc nào cụ cũng đùa
với cháu. Thỉnh thoảng cháu lại dẫn cụ lên núi thế mà cụ cũng đi.
Lập tức Valentin quyết định sống giữa cụ già và em bé đó, thở không khí
của họ, ăn chung bánh với họ, uống chung nước với họ, ngủ giấc ngủ của
họ, gây cái máu của họ trong mạch máu mình. Cao hứng của kẻ hấp hối!
Trở thành một con trai bám vào cái núi đá này, cứu vãn lấy cái vỏ của nó
thêm vài ngày nữa bằng cách làm tê liệt cái chết, đối với anh đó là tiêu
chuẩn tối cao của đạo đức cá nhân, phương thức tồn tại chân chính của con
người, lý tưởng đẹp đẽ của cuộc sống, cuộc sống duy nhất, cuộc sống thật
sự. Trong lòng anh nảy nở ra một tư tưởng vị kỷ, nó dìm ngập cả vũ trụ.
Đối với anh, không còn vũ trụ nữa, cả vũ trụ nằm trong con người anh. Đối
với những người ốm, thế giới bắt đầu từ đầu giường và tận cùng chỗ chân
giường họ. Phong cảnh nơi đây chính là cái giường của Raphaël.
Trong cuộc đời ai mà chẳng có một lần theo dõi bước đi, lối bò của một
con kiến, lấy rơm chọc vào cái lỗ thở duy nhất của một con ốc sên hung
vàng, xem xét những lắt léo của một con chuồn chuồn mỏng manh, thường
ngắm bao nhiêu đường gân, tô màu như một cửa kính tròn ở nhà thờ