Người ta thường thấy ra vào ở cửa hàng này các anh em xe kéo, các bà
buôn trên chợ, các công nhân. Còn các công chức, các thương gia, các kỹ
nghệ gia, các bà “tử tế” thường thường là hay đến ăn ở nhà Tư Công, gần
hiệu cơm tám giò chả cũ ở Hàng Buồm hay nhà cả Chảy ở phố Tiên Sinh
Nhà Hỏa. Hai nhà này bán cũng đã lâu đời, cho nên không cần có biển
quảng cáo mà những người sành ăn ở Hà Nội thảy đều biết cả.
Nhưng coi chừng đó, cái món tiết canh cháo lòng bán ào ạt chỉ trong
khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ, nếu quả là muốn “ăn lấy được”, nên mau
chân lên một chút. Có những buổi tối ngồi ăn trong một gian phòng đầy
nghẹt những người, tôi đã từng thấy có những bọn khách chậm bước đến ăn
mà không có bàn ngồi, hoặc có bàn mà đã hết cả lòng, hoặc còn lòng mà hết
cháo, đành tần ngần kéo nhau ra. Trông những người đó, thực là tội nghiệp.
Ở nhà ra đi với cái mộng làm thỏa mãn khẩu cái quyết định phải dùng
một bữa “đã đời”, vậy mà đến nơi lại phải về không, nỗi thất vọng lựa là
phải nói ra ai nấy đều biết cả.
Ờ, chẳng lẽ đã bảo ở nhà là đi ăn rồi, bây giờ lại về thúc người nhà dọn
cơm ra dùng hay sao? Thôi, đành là phải đi tìm “cái” khác mà ăn vậy.
Nhưng cái khác là cái gì? Thịt rắn ư? Cơm Tàu ư? Chả cá ư? Cơm gà ư?
Tôi biết: đã lỡ như thế, ăn yến cũng không thú nữa.
Tiết canh, cháo lòng ám ảnh ta, không thể làm cho ta quên được. Sự
“trượt ăn” đó càng làm cho ta thèm muốn và càng tưởng tượng, ta lại càng
thấy tiết canh cháo lòng ngon quá. Ông Tây nhứt định là không biết ăn lòng
lợn, tiết canh rồi, còn ông Tàu thì chỉ biết độc có một món là làm thành “lù
mỵ” cặp vào bánh mì ăn hay lấy một que tăm xiên từng miếng nhắm vào tới
ba xị đế. Không ngon, ăn như thế không thể nào ngon được.
Cái tiết canh, cháo lòng của ta chính ra là một món ăn rất bình dân, mọi
lớp người trong xã hội đều có thể ăn chơi thong thả, nhưng trái lại, lại là
một thức ăn thanh lịch vào bực nhất.