Thực ra, cháo lòng, tiết canh, và lòng lợn ăn ở chỗ nào - giữa chợ, ngoài
đường, trong hiệu hay ở nhà - thì cũng phải ăn cả ba thứ mới cảm thông
được hết cả cái hay, cái đẹp, cái ngon, cái lạ.
Ăn mãi cơm tẻ và thịt thà cũng chán, mà ăn cơm Tàu béo ngấy mãi cũng
chán, một hôm trời trở gió kia, anh thấy như nhơ nhớ một cái gì xa xôi lắm
lắm, kiểu cái nhớ vẩn vẩn vơ vơ lúc mới nổi ngọn gió thu... Anh tự hỏi nhớ
gì: nhớ ngày vàng đã qua rồi, nhớ một cặp mắt người yêu cách biệt, hay
nhớ một mối tình não nuột đã liệm vào tấm vải xô của thời gian?
Không phải cả. Ta rầu rầu trong bụng, suy nghĩ vẩn vơ mãi, sau mới biết
rằng “đối tượng” của sự nhớ nhung đó không có gì khác là tiết canh, cháo
lòng: “À đã lâu lắm mình không thưởng thức...”
Nhưng nghĩ thế, đủ rồi. Có cần phải nói ra làm gì đâu! Vợ chồng yêu
thương nhau, mình chưa buồn vợ đã biết mình buồn, mình chưa vui vợ đã
biết mình vui thế thì làm gì mà không đoán được nỗi buồn se sắt nhỏ bé ở
trong lòng người bạn trăm năm.
Thế là dưới ngọn đèn ấm cúng, cơm nước và thức ăn bốc khói lên nghi
ngút đã dọn ra bàn đâu vào đó cả rồi cũng mặc để đó cho các con ăn, còn
chúng mình thì mặc quần áo, đi một chút đi! Cả hai người đều biết ở Hà
Nội muốn thưởng thức cháo lòng thì có những đâu “ăn được”; nhà cả Thủy
ở trong cái cổng xế rạp chiếu bóng Đại Nam phố Chợ Hôm; nhà Tiềm ở đầu
Hàng Lọng chỗ ngã ba trông sang chợ Cửa Nam; nhà cả Chảy ở Tiên Sinh
Nhà Hỏa, gần chỗ rẽ sang phố Hàng Bát cũ.
Ngày xưa ngon có tiếng là nhà cả Thủy, nhưng về sau, nghe thấy nói
rằng vì bà cụ mẹ vợ cả Thủy mất đi, cả Thủy chơi bời cờ bạc, không chăm
chút cửa hàng như cũ nên mỗi ngày số khách vào ăn hàng mỗi kém đi. Nhà
Tiềm tiết canh đánh cũng lâm ly đáo để, nhưng chỗ ngồi chật chội mà
khách ăn lại quá tạp nham, nên hạng trung lưu thường ít khi lui tới.