Cũng như tiết canh lợn, tiết canh vịt đánh xong rồi phải để riêng biệt một
chỗ cho đông lại. Khi nào dùng thì thái mấy miếng gan mỏng để lên, trên
rắc lạc giã nhỏ và ăn với các rau ngổ, răm và húng.
Tôi không tin rằng có người đánh tiết canh tài đến nỗi có thể xâu lạt vào
tiết canh mà mang đi mang lại như miếng thịt, nhưng quả có bà nội trợ Bắc
Việt đánh tiết canh đông y như thể là vừa mang ở trong tủ ướp lạnh ra.
Đánh được như thế, quả là một thiên tài. Có người nói rằng muốn vậy,
người ta phải dùng “ngoại khoa” là đánh tiết canh xong thì lấy một bẹ chuối
đặt lên trên tiết canh cho cái bẹ chuối hút hết nước thừa đi. Để một lát, lấy
ra dùng, phần nhiều khi tiết canh rắn, ăn trơn miệng.
Ngoài tiết canh lợn và tiết canh vịt, còn có tiết canh chó và tiết canh gà,
nhưng hai thứ sau này ít phổ thông. Là vì tiết canh chó không đánh khéo dễ
tanh, mà trông thấy người ta dễ sợ, còn tiết canh gà, theo lời tục truyền lại,
dễ truyền bịnh cho người dùng, nhất là bịnh suyễn. Chẳng biết có đúng hay
không?
Dẫu sao, tiết canh ngon mà có đến những hai thứ thiết tưởng cũng đã đủ
lắm rồi.
Người đẹp thường hiếm thấy... Nhưng người đẹp dẫu nghiêng nước
nghiêng thành đến bực nào đi nữa mà đứng một mình thì cũng hoài mất cái
đẹp đi. Bởi vậy, ăn tiết canh rồi thôi, người ăn vẫn cảm thấy thiếu thốn một
cái gì: bực lắm. Thì đã bảo rằng lòng lợn, tiết canh và cháo lòng là một
“tam đầu chếỉ bất khả chia lìa mà! Tiết canh dùng rồi, có cháo mới lại càng
nổi vị.
Thử tưởng tượng một buổi chiều tà, hiu hiu gió thổi, hai vợ chồng ngồi
kề vai ở trong một quán lạnh, liếc nhìn nhau đợi hai bát cháo nóng mang
lên.