Cái bát đựng cháo bình dân một cách lạ thường, nhưng hơi nóng của
cháo đưa lên thì quả là một hương thơm vương giả. Hành không nhiều, chỉ
vừa đủ ngát thôi; cháo không thô và sặc mùi “mà dầu” như kiểu “kêạp
chúc” nhưng cũng không vì thế mà đuểnh đoảng hay nhạt nhẽo.
Nó có một hương vị riêng, ông ạ, một hương vị không thể so sánh với
bất cứ hương vị của một thứ cháo nào khác, một hương vị đất nước kín đáo,
xa xôi, hàm súc. Ngửi hương vị đó, rồi đưa mắt nhìn vào bát cháo mà nhận
chân lấy cái quánh của nó với màu tím lờ đờ do tiết tạo thành, ta sực nhớ
đến người con gái trong câu hát:
Một ngày hai bữa trèo non
Lấy gì mà đẹp, mà giòn, hỡi anh!...
Một ngày hai bữa cơm đèn
Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng!
Thuần túy Việt Nam, người con gái trong câu hát nói như vậy chính là
nói nhũn. Thực ra, người con gái ấy mạnh vô cùng, bởi vì dám nói cái xấu
ra, tuy là người con gái đã tin chắc vào cái đẹp của mình rồi; mà tin vào cái
đẹp của mình, nhưng vẫn cứ nói ra như thế, âu cũng là một cách làm duyên
để cho chồng thương hơn.
Thực vậy, cháo lòng cũng như một người con gái mà duyên dáng lẫn
vào bên trong, chớ không bong ra bên ngoài. Có thể rằng ăn ở với một
người đàn bà đẹp một cái đẹp huy hoàng, rực rỡ và ác liệt, ta mê say đến
quên cả đời đi, nhưng sự mê say đó làm cho ta rờn rợn, có khi thấy như đau
nhói ở ngực, và kết cục chẳng bao lâu ta sẽ thấy tim ta mệt mỏi.
Đối với một người vợ tấm mẳn, cũ kỹ, có duyên thầm, không thế. Vợ
chồng càng ăn ở với nhau thì người chồng lại càng tìm thấy ở người vợ