Hơn thế nữa, những tác phẩm văn nghệ chỉ làm cho ta thỏa mãn được về
tinh thần, chớ miếng ngon thì có thể làm cho ta thỏa mãn cả ngũ quan và
cho ta thấy có lúc tự nhiên muốn chắt chiu sự sống và cảm thấy là sống, chỉ
sống thôi, dù có khổ nữa cũng là quý lắm rồi.
Thật, không gì cảm động hơn là trông thấy một cô gái bé ngồi ăn mẹt
bún không muốn bỏ phí một sợi, húp từ một chút nước búng, hay một bà
buôn bán, đặt tay nải xuống ở bên mình, gọi chả Sài Gòn, nhặt từng mảnh
vụn của chả để ăn kèm với bún và chấm đẫm giấm ớt cho mát ruột.
Những ai lâu ngày mới được ăn một bữa miến lươn, mà gặp được hàng
miến lươn ngon, có khi không muốn bỏ phí cả đến lá rau răm dính bát; xáo
vịt mà làm khéo, có khi ăn thấy ngọt hơn đường; nhưng cháo vịt, miến gà,
muốn ăn cho thực “sướng thần khẩu” phải tìm ăn cho được ở quán “bà Béo
đeo tạp dề” cũng như cháo sườn ngon, ngoại trừ bà Còng ngồi ở đầu dãy,
đối diện hàng chim, không thể ăn đâu khác nữa.
Ít lâu về sau này, món quà cơm nắm ăn với chả không còn thấy ở trên
chợ nữa, nhưng thỉnh thoảng ở ngoài đường, người ta vẫn còn thấy một đôi
bà gánh rong đi bán. Trưa mùa thu, trời hiu hiu gió, nằm ngủ ở trên võng
dậy, uống một tuần trà rồi gọi một hàng cơm nắm vào ăn, mình cũng thấy là
lạ miệng. Cơm gạo tám nắm thật mịn, “xắt khúc” bằng một con dao thật
bén, bày lên một cái đĩa trắng tinh, mà gắp từng miếng một nhởn nha chấm
với nước mắm Ô Long: không, ta phải thành thật nhận đó là một miếng
ngon quái lạ. Hàng ngày, ai lại không ăn cơm, dù là ăn cơm với chả? Nhưng
cũng thì là cơm, cơm nắm bán rong lại có một hương vị lạ lùng, mát mẻ
làm sao, khiến cho người ăn thấy trơn tru cả cuống họng; nhất là cơm ấy lại
chấm với nước mắm ấy, thật là cả một bài thơ tiết tấu vừa làm vui vẻ khẩu
cái, lại vừa làm đẹp cả thị giác của người ta nữa. Trông thấy miếng cơm
nắm trắng bong, mịn cứ lì đi, chấm vào trong một chén nước mắm vàng
sẫm một màu quỳ, người ăn có cảm giác như “ăn hương, ăn hoa” vào bụng.
Miếng chả ăn lúc đó dẫu làm bằng thịt heo, cũng cứ vẫn là một thứ gì thanh