Trên một cái khay chân quỳ, khảm xà cừ, đặt ở giữa án thư, hai gói cốm
bọc trong lá sen được xếp song song, còn hồng thì bày trong một cái giá,
dưới đệm những lá chuối xanh nõn tước tơi, để ở trên mặt sập.
Đến bây giờ tôi hãy còn nhớ trời lúc ấy hơi lành lạnh; nhà tôi kiểu cổ,
tối tăm, lại thắp đèn dầu tây; nhưng trong một thoáng, tôi vẫn đủ sức minh
mẫn để nhận thấy rằng cốm Vòng để cạnh hồng trứng, một thứ xanh ngăn
ngắt, một thứ đỏ tai tái, đã nâng đỡ lẫn nhau và tô nên hai màu tương phản
nhưng lại thật “ăn” nhau. Rõ là một bức tranh dùng màu rất bạo của một
họa sĩ lập thể, trông thực là trẻ, mà cũng thật là sướng mắt!
Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà
biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai gái như
hồng và cốm!
Màu sắc tương phản mà lại tôn lẫn nhau lên; đến cái vị của hai thức đó,
tưởng là xung khắc mà ai ngờ lại cũng thắm đượm với nhau! Một thứ thì
giản dị mà thanh khiết, một thứ thì chói lọi mà vương giả; nhưng đến lúc ăn
vào thì vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, kết thành một sự
ân ái nhịp nhàng như trai gái xứng đôi, như trai gái vừa đôi... mà những
mảnh lá chuối tước tơi để đệm hồng chính là những búi tơ hồng quấn quýt.
Có ai một buổi sáng mùa thu, ngồi nhìn ra đường phố, thấy những cô gái
làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu đương?
Đó là những cô gái mộc mạc ưa nhìn “đầu trùm nón lá” vắt vẻo đi từ
tinh mơ lên phố để bán cốm cho khách Hà Nội có tiếng là sành ăn.
Nhưng tại sao lại chỉ có con gái, đàn bà làng Vòng đi bán cốm? Mà tại
sao trong tất cả đồng quê đất Việt ngút ngàn những ruộng lúa thơm tho lại
chỉ riêng có làng Vòng sản ra được cốm?
Đó là một câu hỏi mà đến bây giờ người ta vẫn còn thắc mắc, chưa nhất
thiết trả lời phân minh bề nào. Là tại vì đất làng Vòng được tưới bón với