một phương pháp riêng nên ruộng của họ sản xuất ra được thứ lúa riêng làm
cốm? Hay là tại vì nghệ thuật truyền thống rất tinh vi của người làng Vòng
nên cốm của họ đặc biệt thơm ngon?
Dù sao, ta cũng nên biết rằng làng Vòng (ở cách Hà Nội độ sáu, bảy cây
số) chia ra làm bốn thôn là Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung:
nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là sản xuất được cốm quý.
Cốm nguyên là cái hạt non của “thóc nếp hoa vàng”. Một ngày đầu
tháng Tám, đi dạo những vùng trồng lúa đó, ta sẽ thấy ngào ngạt mùi lúa
chín xen với mùi cỏ, mùi đất của quê hương làm cho ta nhẹ nhõm và đôi
khi... phơi phới.
Hỡi anh đi đường cái, hãy cúi xuống hái lấy một bông lúa mà xem. Hạt
thóc nếp hoa vàng trông cũng giống hạt thóc nếp thường, nhưng nhỏ hơn
một chút mà cũng tròn trặn hơn. Anh nhấm thử một hạt, sẽ thấy ở đầu lưỡi
ngọt như sữa người.
Người làng Vòng đi ngắt lúa về và nội trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ
phải bắt tay vào việc chế hóa hạt thóc ra thành cốm.
Ngoài cốm Vòng ra, Bắc Việt còn hai thứ cốm khác nữa, không quí bằng
mà cũng kém ngon: đó là cốm Lũ (tức là cốm làng Kim Lũ, một làng cách
Hà Nội 3 cây số trong vùng Thanh Trì (Hà Đông) và cốm Mễ Trì (tức là
cốm làng Mễ Trì, phủ Hoài Đức (Từ Liêm) cũng ở Hà Đông).
Hai thứ cốm này khác cốm Vòng ở một điểm chính là thóc nếp hoa vàng
khi vừa chín thành bông ở làng Vòng thì được ngắt đem về, còn ở Lũ và Mễ
Trì thì người ta gặt khi lúa đã bắt đầu chín hẳn.
Kể lại những công trình vất vả từ khi còn là bông lúa đến khi thành hạt
cốm, đó là công việc của nhà khảo cứu. Mà đó cũng còn là giá trị của
những tập quán truyền thống của người làng Vòng nữa.