Bây giờ, chỉ còn việc trình bày nữa là xong: cốm được tãi ra thật mỏng
trên những mảnh lá chuối hay những cái lá sen (người ta gọi thế là lá cốm
hay mẻ cốm) rồi xếp vào thúng để gánh đi bán, tinh khiết và thơm tho lạ
lùng. Đặc biệt là hàng nào cũng có một cái đòn gánh cong hai đầu; người
bán hàng bước thoăn thoắt hai cái thúng đu đưa, trông thật trẻ và thật... đĩ!
Hỡi các bà nội trợ lưu tâm đến miếng ăn ngon cho chồng cho con! Hãy
gọi hàng cốm lại và mua ngay lúc cốm hãy còn tươi, kẻo quá buổi thì kém
dẻo và kém ngọt, phí của trời đi đấy!
Đã có lúc ngồi nhìn người hàng cốm xẻ từng mẻ cốm sang chiếc lá sen
to để gói lại cho khách hàng, tôi đã lẩn mẩn ngẫm nghĩ nhiều. Ờ mà thật
vậy, sao cứ phải là lá sen mới gói được cốm? Mà sao cứ phải là rơm tươi
của cây lúa mới đem buộc được gói cốm? Có một khi tôi đã thử tưởng
tượng người ta dùng giấy bóng kính tốt đẹp để gói cốm và dùng dây lụa để
buộc gói cốm, nhưng mới thoáng nghĩ như thế, tôi đã thấy tất cả một sự lố
lăng, tất cả một sự thô kệch, nói tóm lại là tất cả một sự... khó thương! Còn
gì là cốm nữa! Làm vậy, cốm có còn là cốm đâu!
Cốm, một món quà trang nhã của Thần Nông đem từ những đồng quê
bát ngát của tổ tiên ta lại cho ta, không thể hứng chịu được những cái gì
phàm tục.
Vì thế, ăn miếng cốm cho ra miếng cốm, người ta cũng cần phải tỏ ra
một chút gì thanh lịch, cao quý! Phải biết tiếc từng hạt rơi, hạt vãi, và nhất
là phải ăn từng chút một, lấy ngón tay nhón lấy từng chút một, chứ không
được phũ phàng.
Ta vừa nhai nhỏ nhẹ, vừa ngẫm nghĩ đến tính chất thơm của cốm thoang
thoảng mùi lúa đòng đòng, tính chất ngọt của cốm phiêu phiêu như khí trời
trong sạch ta sẽ thấy rằng ăn một miếng cốm vào miệng là ta nuốt cả hương
thơm của những cánh đồng quê của ông cha ta vào lòng. Dịu dàng biết
chừng nào! Mà cảm khái nhường bao!