Hơi nước bốc lên sẽ làm cho cốm được dẻo luôn dù phải đi tới năm bảy
ngày đường.
Bây giờ sự đi lại dễ dàng, người ở các tỉnh gần Hà Nội nhớ cốm vẫn
thường về tận Hà Nội để ăn vào những ngày đầu thu. Coi chừng mùa cốm
tàn lúc nào không biết đấy! Danh tướng và người đẹp tự nghìn xưa vẫn thế,
không để cho người đời được trông thấy mình lâu...
° ° °
Để tận hưởng món quà trang nhã, người ta ăn cốm rồi còn chế biến ra
nhiều món khác, không kém phần thích thú.
Cổ kính vào bậc nhất là cốm nén. Có lẽ vì cốm là một thứ quà quí mà lại
không để được lâu, nên người ta mới nghĩ ra cách nén cốm, để cho cốm
không bị mốc mà ăn vẫn có thể ngon và dẻo.
Điều cần là trước khi cho cốm vào nước đường, phải vẩy một tí nước
vào cốm cho mềm mình; lúc xào, phải quấy đũa cho đều tay kẻo cháy.
Riêng tôi, ăn cốm nén, tôi sợ cái thứ ngọt sắc nó làm mất cả vị của cốm đi;
nhưng nếu một đôi khi có chỗ cháy ăn xen vào, cũng có một cái thú lạ, vì
nó thơm mà lại làm cho gờn gợn da ta lên, như tuồng sợ ăn phải mẻ cốm
khê thì khổ.
Muốn cho đĩa cốm “đẹp mặt” hơn, có nhà rảy một tí phẩm lục vào. Khi
đó, cốm xanh thẫm hẳn lên, nhưng ta có cảm giác ăn vào đau bụng.
Tôi nghĩ rằng nén cốm mà bất đắc dĩ phải dùng đến phẩm lục là chỉ khi
nào người ta dùng cái thứ cốm Vòng mộc, hay cốm Lũ màu xanh nhạt. Đó
là hai thứ cốm mà các cửa hiệu bán bánh cốm vẫn thường dùng gói bán đi
khắp mọi nơi để người ta làm quà cáp cho nhau hay đem biếu xén trong
những dịp cười chung, khóc mướn.