ăn đặc biệt của mùa thu phương Bắc, lại còn ảnh hưởng cả đến tinh thần, và
sức khỏe của người ta.
Ông hơi ngúng nguẩy mà nói chuyện đến thuốc thang thì sẽ bị gạt đi
ngay vì ai cũng sẽ bảo ông: “Vẽ trò, rươi đấy, ăn rươi đi thì khỏi!”
Rươi là cái hàn thử biểu; rươi là vị thuốc bách giải mà người ta gán cho
một sức công hiệu như thần; nhưng rươi còn là một mối bí mật để cho
người ta hỏi lẫn nhau trong mấy ngày ngắn ngủi có rươi ăn.
Nó là thứ sâu gì mà ăn ngon đến thế nhỉ? Nó ở đâu đến mà lại đúng
ngày, đúng giờ như một quyển lịch thế nhỉ? Nó có những chất gì ở trong
mình mà ăn sướng khẩu cái, lại bổ béo như thế nhỉ? Tại làm sao nó bổ mà
những người ho, sốt ăn vào lại độc như thế nhỉ?
Ờ mà thật thế, cứ đến những ngày cuối thu, tất cả các gia đình Bắc Việt,
không nhiều thì ít, cũng đều ăn rươi, nhưng có lẽ không mấy ai đã thật biết
rõ đời con rươi.
Đương ngồi ở trong nhà bỗng nghe tiếng những người đàn bà lanh lảnh
rao: “Ai mua rươi! Ai mua rươi ra mua!” người ta bỗng thấy lòng tưng
bừng như có muôn đóa hoa hé cánh và người ta vội vàng chạy ra cửa gọi
mua: “Rươi! Rươi!”.
Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà nhỡ việc, vì rươi không
phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu. Cả một năm chỉ có mấy ngày có
rươi thôi; mà những ngày có rươi đó nếu bà không mua nhanh lên thì hết
đấy. Cả một mùa không được ăn một miếng rươi vào miệng, không những
bà ân hận, mà người chồng yêu quí của bà rất có thể lại làu nhàu.
Bởi vì ở Bắc Việt, ăn rươi là một công lệ, đến mùa mà không được ăn
thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng
một niềm tiếc nhớ...