này không gợi cho trí óc nhiều cảm tưởng nên thơ lắm, như trước hồi chiến
tranh.
Người ta bâng khuâng nhớ một cái gì đã mất, và chính người ta không
biết rõ là cái gì. Tuy núi Nùng hãy còn, tháp Rùa (với một ngọn đèn máy ở
trên ĐỈnh tháp!) vẫn còn sờ sờ ra đấy, nhưng không khí Hà Nội cũ thì hình
như đã đổi thay. Nóng không phải là cái nóng Hà Nội cũ, mà rét cũng
không phải cái rét của Hà Nội cũ.
Người tản cư đi tha thẩn hết cả “Hà Nội 36 phố phường”, vào một buổi
đầu thu kia, nghiệm thấy rằng: tâm tánh người Hà Nội đổi thay, phố xá, nhà
cửa thay đổi, mà cái mặc của người Hà Nội cũng khác xưa, duy chỉ có một
thứ không thay đổi: là cái ăn của người Hà Nội.
Tôi không muốn nói ở đây về cái lượng ăn, nhưng muốn nói về cái
phẩm, không muốn nói về tánh cách ăn của từng người, nhưng về cái chất
ăn của đại đa số người Hà Nội.
Xa Hà Nội một dạo, người trở lại đế đô có thể ăn các thứ cao lương mỹ
vị của Tàu, Tây; nhưng rút lại thì người Hà Nội rồi cũng quay về với những
món ăn cổ truyền đặc biệt Hà Nội nó làm cho chúng ta thèm nhớ.
Ăn vây, ăn bóng, ăn hải sâm, bào ngư, gì rồi cũng chán. Một buổi sáng
kia, thấy nản về sự tiêu hóa, ta chợt nhớ rằng cơm trắng vẫn là lành và hợp
với tạng phủ ta. Một bát phở khói bốc lên nghi ngút, một mẹt bún chả thơm
ngào thơm ngạt, hay một đĩa bánh cuốn Thanh Trì, để bên cạnh một đĩa đậu
rán phồng nóng rẫy lên, tự nhiên làm cho ta nhớ rằng những cái đó đã tạo
nên một phần nào linh hồn của Hà Nội; sở dĩ ta thấy không thể quên được
Hà Nội cũng vì những thức ăn đặc biệt Hà Nội đó.
Có những người đã qua cái tuổi hai mươi, bị những bóng dáng yêu kiều
của đô thị văn minh xô đẩy, đã bỏ cái mái nhà yên ấm của mình đi theo
tiếng gọi của một tình yêu mới, êm ái hơn, thắm tươi hơn.