Hương bốn mùa có thể làm cho họ say sưa, nhưng một buổi chiều đông
kia, người đàn ông lạc phách trở về thấy gia đình ấm cúng, chân thật, bỗng
thấy lòng ân hận, vì đến lúc bấy giờ mới cảm thấy chỉ có người vợ tấm nẳm
mới là người chung thủy với mình.
Một cái quàng tay, một cái nhìn âu yếm, cả một thời ái ân xưa kia tưởng
đã tan biến, bây giờ lại trở về, có phần thơm ngát hơn xưa. Một hơi thở, một
miệng cười gợi lại cả một mối tình êm dịu mà kín đáo, cũng như một người
xa quê lâu ngày, ngửi thấy mùi lúa chín ở cánh đồng, lại thấy nở ra trong trí
bao nhiêu kỷ niệm tươi đẹp nơi đồng áng.
Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía,
nhớ Hà Nội ê chề, và làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn... Có ai đã
xa Hà Nội lâu ngày, một chiều hiu hắt vọng về Hà Nội nhớ từng cái ngõ,
từng cái nhà, nhớ từng vườn Bách Thảo, hồ Hoàn Kiếm nhớ đi, nhớ từ
những hoa sấu rụng ở trên đường đầu thu nhớ xuống, mà tự nhiên ở đâu có
người tìm đến mang “một chút quà Hà Nội” đến cho mình, người ấy mới có
thể biết “quà Hà Nội” giá trị như thế nào!
Kể về đồng tiền thì cũng chẳng lấy gì làm đắt đâu. Một lọ cà cuống
không to hơn một ngón tay; vài cái bánh cốm, bên một lạng chè mạn sen,
hay một lọ vừng hoặc một chai nước mắm; mấy thứ đó tính theo thời giá,
không quá năm chục bạc. Thế nhưng mà những cái quà đó đã đem đến cho
lòng ta bao nhiêu sự đắm say, bao nhiêu thú vị, bao nhiêu cảm giác mông
lung, nhã lịch! Ta cầm lấy mà thấy như ôm một chút hương hoa của đất
nước vào lòng. Ai đã bảo ăn uống là một nghệ thuật? Hơn thế, ăn uống là cả
một nền văn hóa đấy.
Nhiều người viết về ảnh hưởng huyền diệu của văn chương đã nhận rằng
đọc một quyển sách hay còn như sống hẳn một kiếp khác vì được làm bạn
với thánh hiền.