Tôi thấy rằng ví bây giờ mà tôi có bị mẹ mìn bắt đem đi đất lạ một nghìn
năm, tôi cứ vẫn là người Việt Nam vì không bao giờ quên được những
miếng ngon Hà Nội và tôi thường thích nghĩ rằng những miếng ăn đó thật
quả là giống như những tác phẩm văn chương bất hủ.
Thế giới mỗi ngày một tiến hơn thì tư tưởng cũng thế, không đứng
nguyên một chỗ. Vì thế có những tác phẩm hợp với thời này mà không hợp
với thời kia, hay với người thời này mà không hay với người thời khác;
nhưng bên cạnh những cái đó, há ta chẳng thường thấy những áng văn gọi
là “cổ điển” mới luôn luôn, mới mãi mãi, đời nọ truyền đời kia mà không
lúc nào lạc hậu đó sao?
Đó là những tác phẩm của Voltaire, của Dickens, của Ôn Như Hầu, của
Shakespeare, của Đoàn Thị Điểm hơn thế nữa, truyện Kiều của Nguyễn Du
có 4.000 câu thơ, mà có nhà học giả dám đoan quyết không thể thay đổi đi
một chữ!
Nhiều “miếng ngon Hà Nội” có thể cũng ví như tác phẩm của Nguyễn
Du. Không thể khéo hơn được, không thể ngon hơn được, vì thế, không thể
thay đổi được. Nếu ta muốn nhại Nguyễn Văn Vĩnh, sao ta lại không thể
nói được rằng: “Nước Việt Nam còn thì miếng ngon Hà Nội vẫn còn?” cũng
như ông đã viết:
“Truyện Kiều còn thì nước Nam còn!”
Từ trước đến nay, nhiều người đã phân tách và giải thích truyện Kiều
cũng như các tác phẩm văn chương khác của Việt Nam.
Phần tôi, bắt đầu từ đây, tôi muốn đem phân tách và giải thích “miếng
ngon Hà Nội” - những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát
mùi đất nước Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, và thấy thích thú, kiêu
hãnh được trời cho làm người Việt Nam.