Người sành ăn, người biết ăn ngon cũng thế, ăn một miếng ngon của đất
nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào
trong mình một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm, tháng nọ
sang tháng, năm kia.
Có phen ta đã ăn quà Nhật, ta dùng cơm Tây, ta lại ăn tiệc Tàu. Mỗi
miếng ngon của một nước biểu lộ một phần nào cá tính của nước đó, cũng
như uống nước trà năm giờ là đặc biệt Ănglê, cary dê, cary gà là đặc biệt
Ấn Độ hay ăn cơm rang với thịt bò trộn đường là đặc biệt Phù Tang.
Bây giờ có lẽ cũng đã xa rồi, nhưng vào cái thời 1946-1947, ở biên khu
chạy loạn, tôi quả đã nhớ đến những miếng ngon Hà Nội, có khi đau nhói ở
tim. Ăn một bát phở ở chợ Đại, tôi lại nhớ tới anh phở Sứt ở trong cái ngõ
cụt Tràng Tiền; ăn nem chả thì nhớ nem chả ở đình Hàng Vải Thâm; bún thì
bún chợ Bằng; miến lươn trên chợ Đồng Xuân; bánh đậu, nhớ bánh đậu Hải
Dương; kẹo mè Thiều Châu, rồi thì bánh cốm Nguyên Ninh, chả Hàng Hài,
và cốm Vòng, và nhãn Cót, và bánh lam Lim, và chả nướng Ghềnh, và bánh
giầy Quán Gánh!
Bởi vì phàm thức quà gì ngon nhất, thảy thảy đều phải “có mặt” ở Hà
Nội cả. Nhớ đến những quà ấy, không phải là nhớ đến Hà Nội mà thôi,
nhưng là nhớ tất cả một dải đồng bằng phì nhiêu Bắc Việt, có sáo sậu nhảy
trên lưng bò, với những người nhà quê vạm vỡ cày ruộng, với những cô gái
vừa hát vừa quay tơ, với những đứa trẻ chăn trâu, mặt mày lem luốc nhưng
trông duyên dáng biết bao!
Chao ôi, những sự nhớ nhung đó, sao mà đằm thắm, sâu xa thế! Lòng
người ta buồn nhè nhẹ, có phải một phần cũng vì thấy nhớ nước, yêu nước
và thương nước hơn không?
Ai bảo rằng sau bao nhiêu cuộc bể dâu, nước Việt Nam vẫn còn tồn tại
là vì một nền văn hóa cổ truyền đã ăn sâu như những cái rễ vào trong dân
tộc?