Sau đó, chúng tôi cho học sinh thêm những câu hỏi khó hơn, những
câu mà chúng không có kết quả tốt như trước. Những đứa trẻ tập trung vào
năng lực nghĩ rằng hóa ra chúng không thông minh chút nào. Nếu thành
công nghĩa là chúng phải thông minh, thì ít-hơn-thành-công tức là người
dốt nát.
Guette cũng nói những câu tương tự. “Trong gia đình tôi, tốt có nghĩa là
thất bại. Rất tốt cũng vẫn là thất bại… Điều duy nhất không là thất bại là
phải xuất chúng.”
Những học sinh chú trọng tới sự cố gắng chỉ nghĩ khó khăn đơn giản là
“phải bỏ ra nhiều nỗ lực hơn hoặc thử cách làm khác.” Chúng không xem
đó là thất bại, và chúng không nghĩ thất bại nói lên được điều gì về trí
thông minh của chúng.
Sự thích thú của những học sinh với những vấn đề thì sao? Lúc thành công,
ai cũng cảm thấy ưa thích những vấn đề. Tuy nhiên khi gặp trở ngại, những
đứa trẻ “năng lực” lại không còn thấy thích chúng nữa. Làm sao có thể
thích được, khi những mong đợi về một “tài năng thiên bẩm” đang bị đe
dọa nếu chúng không giải quyết được vấn đề.
Đây là lời nói của Adam Guettel: “Giá như tôi được vui vẻ một cách thoải
mái thay vì phải gánh trách nhiệm của một đứa trẻ có-tiềm-năng-trở-nên-
vĩ-đại.” Cũng giống với những đứa trẻ trong cuộc nghiên cứu của chúng
tôi, gánh nặng về tài năng đã giết chết sự vui thú trong việc học hỏi của
Adam.
Những đứa trẻ “nỗ lực” vẫn có hứng thú với những câu hỏi, và rất nhiều
trong số chúng nói rằng câu hỏi càng khó thì càng vui.