CEO VÀ NHỮNG CÁI TÔI KHỔNG LỒ
Tại sao hai từ CEO và Cái tôi khổng lồ gần như lúc nào cũng đi liền với
nhau? Nếu những người khiêm tốn với Tư Duy Phát Triển là những người
dẫn dắt thực thụ, tại sao rất nhiều công ty lại đi tìm kiếm những vị lãnh đạo
có sự tự tin thái quá – ngay cả khi những người ấy quan tâm tới bản thân
nhiều hơn là tới công ty?
Hãy trách Iacocca. Theo như James Surowiecki đã viết trong tờ
Slate, sự trỗi dậy của Iacocca đánh dấu một bước ngoặt cho các doanh
nghiệp của Mỹ. Trong suy nghĩ của công chúng, CEO nghĩa là “một người
lãnh đạo cổ hủ, được đối xử như ông hoàng, nhưng lại nhạt toẹt và không
có gì nổi bật”. Iacocca đã thay đổi định nghĩa đó. Các nhà báo kinh tế bắt
đầu gọi những nhà điều hành là “J.P Morgan tiếp theo” hay “Henry Ford
thứ hai”. Và những nhà điều hành có Tư Duy Cố Định bắt đầu khao khát
những mỹ từ đó.
Surowiecki thậm chí còn cho rằng những vụ scandal gần đây ở các
doanh nghiệp bắt nguồn tự sự thay đổi này, bởi khi xu hướng này được
nhân rộng, các CEO được tôn lên như những người hùng. Nhưng những
người chỉ biết vuốt ve cái tôi và tìm kiếm thứ gì đó giúp tăng sự tự tin trong
họ thường không phải là những người quan tâm tới việc nuôi dưỡng sự
trường tồn cho công ty.
Có thể Iacocca chỉ là một người đầy nhiệt huyết, và, giống loại nhạc
Rock and Roll, bị đổ lỗi làm nền văn minh đi xuống. Điều đó có công bằng
không? Hãy cùng thử phân tích ông kĩ hơn. Và nhìn cả vào những CEO có
chung lối Tư Duy Cố Định khác: Albert Dunlap của Scott Paper và
Sunbeam; Jerry Levin và Steve Case của AOL Time Warner; và Kenneth
Lay và Jeffrey Skilling của Enron.