về việc đã sinh ra quá muộn, thậm chí về sự suy đồi và sa đọa”. Tuy
nhiên, lịch sử đã được suy tưởng như một “nhất thể toàn bộ”, cho dù đó
là thịnh, suy hay tuần hoàn.
5. Một hệ quả khác của việc tương đối hóa chỗ đứng của cá nhân
là bắt đầu nhận ra yêu cầu xây dựng không gian chính trị. Người ta
muốn “thông qua tri thức, giáo dục, cải cách... để tự tay mình nắm lấy
diễn trình của biến cố một cách có chủ đích”; “nhận ra việc con người
phải sống chung với nhau, phải được quản lí và cai trị như thế nào. Các
tư tưởng cải cách làm chủ hành động. Các triết gia du hành từ nơi này
sang nơi khác để làm thầy, làm nhà cố vấn, bị khinh rẻ hoặc được trọng
vọng”. “Có một sự tương đồng về xã hội học giữa sự thất bại của
Khổng Tử trong triều đình nước Vệ và của Plato ở Syrakus, giữa môn
phái của Nho gia và Viện Hàn Lâm của Platon trong việc đào tạo
những nhà cai trị tương lai”.
Trong bối cảnh ấy, theo Jaspers, đã hình thành những phạm trù cơ
bản cho tư duy và cho các tôn giáo thế giới mà chúng ta thụ hưởng cho
đến tận ngày nay. Bắt đầu “cuộc đấu tranh về sự siêu việt của Thần linh
tối cao chống lại ma quỷ, cuộc đấu tranh chống lại những ngẫu tượng
thần linh giả hiệu từ sự phẫn nộ về đạo đức. Thần tính được tăng cường
thông qua việc đạo đức hóa của tôn giáo”. Trong tư duy mới này, tôn
giáo và triết học ngày càng phân li và trở thành những khu vực tự trị.
Kết quả sau cùng của “Thời Trục”, theo Jaspers, là thời kì củng cố,
trong đó những học thuyết được định hình, trở thành “chuẩn mực của
học tập và giáo dục” (Khổng Nho thời Hán, Phật giáo thời Asoka, giáo
dục La Mã-Hi Lạp hóa thời Augustin). Nhưng, ngay cả sau sự suy tàn
của các đế chế này, hành động của con người vẫn tiếp tục được truy
vấn. Thái độ truy vấn ấy đeo đuổi sự phân biệt giữa một bên là các nền
văn hóa cổ xưa (như Ai Cập và Babylon) như thể “con người chưa thực
sự đi đến với chính mình”, và bên kia là các “dân tộc bán khai” bị tuyệt
diệt hoặc bị đồng hóa khi tiếp xúc với “Thời Trục”: ““Thời Trục” đồng
hóa tất cả những thứ còn lại. Từ đó, lịch sử thế giới có được cấu trúc và
sự thống nhất duy nhất, kéo dài mãi đến tận ngày nay”.