Vì thế, hầu hết công trình của Hamvas xoay quanh việc tái dựng nền
minh triết cổ xưa được bảo tồn trong nhiều “thánh điển” của nhân loại.
Sau cùng, việc đảo ngược viễn tượng nghiên cứu sẽ rọi ánh sáng
mới vào Kitô giáo. Nếu với Jaspers, khác với Hegel, sự ra đời của Kitô
giáo không thể được xem là bước ngoặt của lịch sử tư tưởng, thì, theo
Hamvas, “huyền thống thiêng liêng” của nhân loại là giống nhau ở mọi
nơi, và Kitô giáo, do đó, chỉ nói lên việc quay trở lại và tái khẳng định
những giá trị của truyền thống. Dưới đây, ta thử tóm lược những luận
điểm chính của Hamvas liên quan đến ba chủ đề nói trên.
Trước hết, theo Hamvas, “Thời Trục” tự nó không phải là một sự
phát triển tự tại và tự lập, mà là một triệu chứng: sản phẩm của quá
trình hỗn loạn và suy đồi không tiền khoáng hậu! Nó quả thật là một sự
biến có tầm vóc thời đại, nhưng theo nghĩa của sự sụp đổ và phá vỡ trật
tự. Khoảng thế kỉ thứ 6 trCN là “sự hỗn loạn diễn ra trong trật tự của
những giá trị thiêng liêng của Tồn tại”, khi lời nói và việc làm bị phân
li, sự hạn độ và sự cân bằng bị thay thế bằng sự quá độ và kiêu mạn.
Thật ra, đây không phải là cách nhìn đặc thù của riêng Hamvas,
mà được nhiều nhà nghiên cứu khác về “Thời Trục” chia sẻ. Những lời
tiên tri u ám về “thời mạt thế” trong truyền thống Hebrew dù sao cũng
có tính cục bộ, trong khi Hamvas khởi đầu công trình đồ sộ của mình
bằng cách trích dẫn sâu rộng về cả ba khuôn mặt tiêu biểu đương thời -
cách rất xa nhau về địa lí, - đó là đức Phật, Lão Tử và Heraclitus.
Trong hình thức huyền học, nhiều trích đoạn từ kinh điển Phật
giáo cho thấy trải nghiệm về sự đổ vỡ của trật tự truyền thống. Những
dòng hàm súc của Lão Tử trong Chương 18 của Đạo đức kinh nói rõ
điều ấy: “Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa. Trí tuệ xuất, hữu đại ngụy.
Lục thân bất hòa hữu hiếu tử, Quốc gia hỗn loạn hữu trung thần” (Đạo
lớn mất, mới có nhân nghĩa; trí tuệ sinh, mới có dối trá; lục thân chẳng
hòa, mới có hiếu tử; nước nhà rối loạn, mới có tôi ngay). Từ Hi Lạp cổ
đại là tiên đoán của Heraclitus về con người thời đại như những kẻ
mộng du, đánh dấu một kỉ nguyên của sự mù quáng và ngu muội chưa
từng có trước đó. Nhưng, thời đại khủng hoảng cũng mang lại cơ hội: