“trong thời gian khủng hoảng giữa hai thời đại, khi con người chưa
thực sự đến đằng kia nhưng cũng không còn ở đằng này, thì lại có thể
nhìn xa hơn, thoát ra khỏi cái vỏ kén tưởng như đương nhiên của cái tự
ngã”. Trong tác phẩm Patmos về sau, Hamvas triển khai thêm ý này, so
sánh những thời kì như thế với một thung lũng hẹp, nhấn mạnh đến
nguy cơ và tầm quan trọng của chúng.
Và cũng chính điều này lại làm nổi bật sự mới mẻ đích thực của
“Thời Trục”. Những tư tưởng của thời đại này, theo Hamvas, không
mới, nhưng được phát biểu thật tân kì, giữ vai trò trung tâm: Thánh
Điển và Thánh Nhân (được ông gọi là “Chủ thể thiêng liêng”). Trước
đây, việc “truyền đạo” là khẩu truyền, ngăn cấm văn bản. Bây giờ,
trước nguy cơ của sự hỗn loạn, đảo lộn trật tự, việc bảo tồn giáo nghĩa
dưới hình thức thánh điển trở nên cần thiết. Đồng thời, sự minh triết
được hiện thân trong những nhân vật cụ thể: thánh hiền, nhà làm luật,
nhà tiên tri, các giáo chủ v.v. Nói theo thuật ngữ của Michel Foucault,
việc “khách thể hóa” nền minh triết thiêng liêng bằng sách vở, thánh
điển đi liền với tiến trình “chủ thể hóa”. Việc này diễn ra trong vòng vài
thế hệ: nếu ở Trung Hoa cổ đại, Lão Tử vẫn còn là một khuôn mặt đầy
bí ẩn thì Khổng Tử là nhân vật lịch sử cụ thể. Ở Hi Lạp, Orpheus còn
thuộc về thế giới thần thoại, Pythagoras nửa thần thoại, nửa lịch sử, thì
Heraclitus hoàn toàn là khuôn mặt lịch sử. Những ví dụ như thế có thể
tìm thấy khắp nơi, từ văn hóa Do Thái đến Ấn Độ.
Trật tự được đề xướng trong các thánh điển và truyền thống, theo
Hamvas, sở dĩ là linh thiêng vì chúng có tính vĩnh hằng, được truyền
thừa một cách đặc biệt, trong khi mọi phát kiến về sau đều có tính phái
sinh. Theo đó, trật tự và minh triết đích thực không thể hình thành từ
tâm trí phân tích, trừu tượng. Hamvas phân biệt minh triết uyên nguyên
xét sự vật trong sự liên lập và toàn thể, khác cơ bản với ba hoạt động
của lí trí tư biện về sau, đó là biện biệt, đòi hỏi được chứng minh và sự
hoài nghi. Đặc điểm nổi bật của trật tự đích thực là tuyên bố chứ không
chứng minh, bởi nó không cần những chứng minh. Ông nhắc lại châm
ngôn của Vauvenargues: khi một luận cứ cần phải chứng minh, đó là