dấu hiệu nghèo nàn của sự phát biểu. Sau cùng, sự hoài nghi - nguyên
tắc cơ bản của triết học Descartes, cũng như các nghịch lí của Kant và
phép biện chứng của Hegel - đều là phái sinh. Hen panta einai (“Tất cả
là Một”) của Heraclitus - đuợc ông nhắc lại nhiều lần - chính là kinh
nghiệm nguyên thủy về cái nhất thể vốn là tâm điểm của đức tin, sự tin
cậy và trung thành.
Tất nhiên, Hamvas không xem nhẹ sự biện biệt và phê phán của trí
tuệ. Ông chỉ muốn nói: chính sự thức nhận và thấu hiểu mới giúp vươn
tới trật tự đích thực của sự vật. Rất gần gũi với Heidegger, Hamvas cho
rằng thức nhận và thấu hiểu có nghĩa là đặt sự vật trở lại vào đúng chỗ
của chúng. Đó là “thức nhận” (recognitive) hơn là “nhận thức”
(cognitive). Tri thức đích thực, theo cách hiểu này, không dựa vào sự
tích lũy những sự kiện rời rạc theo kiểu thực chứng, cũng không phải là
sự kết nối vô hồn, cơ giới của “lí trí” khao khát quyền lực. Nói cách
khác, “minh triết” vốn không dựa vào “ý thức” - cơ quan của sự mê
muội, sững sờ, - mà dựa vào “vidya”, “trí huệ” nói theo truyền thống
Ấn Độ cổ đại.
Thức nhận và thấu hiểu trật tự thiêng liêng đòi hỏi sự mẫn cảm và
sự hòa hợp. Mẩn cảm không phải là sùng tín mà là mở ngỏ tâm hồn và
dịu dàng đón nhận. Sự mẫn cảm được tăng cường khi phát triển trạng
thái hòa hợp, hòa âm như trong âm nhạc. Hamvas nhấn mạnh mối quan
hệ với âm nhạc, hay thậm chí với âm thanh như là vai trò trung tâm
trong việc vun bồi sự mẫn cảm. Nó cũng giải thích tính chất truyền
khẩu của truyền thống cổ xưa, ưu tiên cho việc truyền đạt từ miệng đến
tai thông qua lời nói sống động của con người. Các kĩ thuật “khổ hạnh”
cũng cần thiết để phát triển sự mẫn cảm, không theo nghĩa là sự hành
xác, khôi phục sự thống nhất và hài hòa cho con người đã bị đánh mất
chính mình.
Thế nhưng, đi từ cuộc sống hỗn loạn sang cuộc sống có trật tự là
rất khó khăn vì nói dễ hơn làm! Tiền đề cho bước chuyển này, như đã
nói, là sự tỉnh thức, một ý niệm trung tâm nơi đức Phật và Heraclitus.
Hamvas cũng diễn giải lời dặn dò sau cùng của Socrates: “Này Crito,