nuối, hoài niệm. Trái lại, “vườn địa đàng” có mặt khắp nơi - chẳng hạn,
trong số ít những nghệ phẩm kiệt xuất: tranh của Corot hay Raphael,
nhạc của Bach và Beethoven, thi ca của Hölderlin hay Keats, trong
Giấc mộng đêm hè... Đó là chỗ quy chiếu cho cuộc sống của chúng ta,
và “bất cứ nơi đâu nó xuất hiện, trong một con người hay một tác
phẩm, trong một cảnh tượng hay một âm thanh, thì mọi người đều biết
rằng đó chính là nơi ta thật sự về nhà”, không còn bơ vơ, lưu lạc trong
thế giới xa lạ nữa.
Một sự đối lập khác là giữa con người tâm linh và con người kị sĩ.
Các đế chế bành trướng bằng những đức tính của người kị sĩ, thay vì đi
tìm trở lại trật tự vĩnh hằng. Đáng chú ý là hai hình tượng được
Hamvas lựa chọn: Plato và Nietzsche. Plato là “con người tâm linh cuối
cùng”, sau ông là sự ngự trị của các chiến binh. Nietzsche là người sau
cùng ở thời hiện đại đi theo trào lưu này trong não trạng, như là một kị
sĩ “thoái hóa”, nhưng đồng thời lại mở ra một viễn tượng khác, vượt ra
khỏi khuôn khổ cũ.