Nghi lễ này trong hình thức méo mó và đáng ghê sợ ở các dân tộc
nguyên thủy phát triển ngược chính là tục lệ ăn thịt người. Có lẽ chỉ
con người hiện đại mới suy sụp hơn mức ấy, khi trong đồ ăn thức uống
họ tuyệt nhiên không cảm thấy một hiện thực huyền bí nào.
“Nơi đối với những người cổ xưa đấy là nơi long trọng, nơi sự
huyền bí ẩn náu bên trong” - Schuler viết. Sự huyền bí của những bữa
ăn trưa lớn là bên ngoài có vẻ như thức ăn hiến dâng cho con người -
nhưng trong thực tế con người sà xuống vật chất và với tới thức ăn để
nhấc chúng lên.
Sự huyền bí là thức ăn hiến nó cho con người và con người cho
thức ăn bản thân họ, như vậy là hai lần hiến dâng, như cái ôm nhau của
tình yêu, để ngọn lửa của sự hiến dâng cháy lên: sự cho đi.
“Nếu mi muốn và thèm đời sống, hãy cho đi từ đời sống của mi,
cho từ đời sống của mi mà không giữ lại hoặc phải suy tính, nếu mi
muốn đời sống mở ra trước mắt mi một cách tự do và đầy đủ; chừng
nào mi còn khổ sở trong những quyền lợi ích kỉ của mi, mi vẫn chưa ở
trong đời sống, mi vẫn đứng ngoài và quan sát, và mi là kẻ quan sát
của cả niềm vui cuộc sống nữa; đời sống chỉ của mi, nếu mi ở bên
trong nó, cho đi và hiến dâng bản thân mi”.
Bởi vì niềm vui là sự không cấm đoán và sự hưởng thụ đời sống là
tự do. Hưởng thụ chỉ ngần này: ăn, một cái gì đấy, cái bên ngoài, biến
nó thành cái bên trong, nuốt, nâng nó lên, tinh thần hóa nó và đặt nó
quay lại trạng thái cội nguồn.
Đối với con người cổ, học tập và tri thức giống như dinh dưỡng, là
hoạt động không ích kỉ mà tự thân. Học không là gì khác ngoài ăn, một
cái gì đấy bên ngoài, biến nó thành cái bên trong. Và cái tôi học không
phải của tôi, cái tôi biết, không phải sở hữu của cái TÔI.
Tinh thần không phải để phục vụ cho sự thỏa mãn của cái TÔI con
người, như đất, cộng đồng người, như các con vật, như toàn bộ mọi thứ
trên thế gian không phải dùng để phục vụ. Tinh thần sinh ra cũng là để