còn là cái VÔ HÌNH VĨ ĐẠI. Bởi vậy họ là lời tuyên ngôn của sự sống
Thượng Đế. Và bởi vậy dân chúng bị thu hút về phía họ. Và bởi vậy họ
thiêng liêng.
Bởi vậy họ là những người Thầy của Đời sống. “Người nào mang
trong bản thân mình hình ảnh lớn lao của VÔ TẬN, cả thế gian sẽ đến
với người đó”.
3.
Người Hi Lạp gọi người Thầy của Đời sống là nhà thần học cổ,
bởi công cụ của người Thầy là theosz logos, là lời của Thượng Đế.
Logos tất nhiên không chỉ là từ, mà còn là ý nghĩa, động từ, tinh
thần, quy tắc, mức độ, dấu hiệu, tượng trưng, luật lệ, bản án, và nhiều
thứ khác nữa.
Heracleitos có một câu nói về giá trị hợp nhất của logos, dịch ra
là: sự tỉnh táo. Khi ông bảo tất cả mọi người đều có một logos riêng,
nhưng không được người khác đồng tình, ở đây sự tỉnh táo mang ý
nghĩa là logos. Một trích dẫn khác của ông có thể dịch như sau:
pszükhész eszti logosz heauton auxón - linh hồn có sự tỉnh táo nuôi
duỡng bản thân nó.
Trong thời cổ ngôn từ là thứ vô hình; hoạt động của người Thầy
Đời sống là sự vô tư và không thể nắm bắt. Hoạt động này chỉ nhận ra
khi bước vào thời gian của lịch sử, khi người ta bắt đầu viết. Khi chủ
thể thần thánh biến mất, chuyển lại ngôn từ cho thế hệ sau: cho sách.
Ngôn từ trong sách đã đạt được tầm vóc cuối cùng của nó. Ở đây
nó trở thành biểu tượng thật sự; thành ý tưởng. Ở đây nó bóc trần bản
chất cho rằng ngôn từ là ma trận của mọi sự vật, như Baader viết:
“ngôn từ là nguyên tắc của mọi cái tồn tại nối kết tinh thần với thiên
nhiên, và hiện thực hóa cả hai”.