trở thành đối tượng của một cái gì đó, của một cái gọi là quan điểm, sự
hoạt động, sự thay thế. Thực chất, cái Tôi là một cá nhân tuyệt đối, là
chủ thể không bao giờ có thể biến thành sự vật”.
Nói theo ngôn ngữ của Sankara: Khi con người nhân bản thân
mình lên lũy thừa bảy, trong ảo ảnh của các hình ảnh, các giấc mộng,
các ý tưởng, các nhận thức, nó tưởng hoạt động này dẫn đến sự giải
thoát. Không. Sự hoạt động này dẫn tới một nơi khác hoàn toàn. Dẫn
đến trạng thái phi hoạt động; đến sự tĩnh lặng; đến sự tránh xa các biến
đổi; đến phi nhận thức; đến việc chấm dứt các nỗ lực.
Sự giải thoát không phải là kết quả của sự thay thế, của tư duy, thể
hiện sức mạnh, hoạt động, mà là sự nghiền ngẫm để nhận ra mọi tư duy
đều là nhà tù, mọi tư tưởng đều là cạm bẫy, mọi nỗ lực đều là xiềng
xích trên con đường giải thoát. Tôi chỉ có thể giải thoát, nếu tôi từ bỏ
mọi kích động, giác quan, nhận thức, tư duy, sự tưởng tượng, trực giác,
sự hoạt động từ chính bản thân, tôi bước ra khỏi bảy vòng quay của bảy
daimon, từ bỏ thế gian như từ bỏ mọi ảo vọng không có thật, và điều
chỉnh lại nhãn quan trực tiếp về hiện thực (saksatakara), là nhãn quan
cội nguồn của linh hồn con người.
Con người lịch sử không giấu nổi ngạc nhiên khi thấy các ngôn từ
của ý nghĩa truyền thống cổ, các ngôn từ của sự nhập định, (không
ngoại lệ), đều là những hình ảnh tượng trưng. Ý nghĩa của chúng liên
quan đến một cái gì hoàn toàn khác với cái tưởng rằng chúng nói đến,
và chỉ ra một hướng khác so với cái tưởng chúng chỉ ra, đưa ra dấu
hiệu.
Ngôn ngữ tượng trưng này hướng về điều Sankara đã nói: sự hoạt
động, sự biến đổi, sự chuyển biến, sự hoàn hảo, sự tỉnh táo, về các bậc
thang, các mức độ. Tất cả đều mang ý nghĩa tượng trưng của ngôn từ.
Thực ra chẳng có gì xảy ra hết, chỉ linh hồn rơi vào u mê nhầm lẫn bản
thân mình với những hình ảnh được dựng lên về chính bản thân nó.
Giải thoát chỉ có ngần này ý nghĩa: không nhầm, không lẫn lộn
các hình ảnh, thậm chí giải thoát chỉ có nghĩa thế này: không ảo vọng.