Ngày nay cùng lắm chỉ còn ngôn ngữ ngoại giao, ngôn ngữ đối
thoại, ngôn ngữ văn học. Nhưng những loại ngôn ngữ này cũng đánh
mất bản chất phổ quát của ngôn ngữ cổ, đặc biệt đánh mất những khả
năng xướng danh “gọi tên” những hiện thực tinh thần cao nhất. Ngày
nay người ta vẫn bắt buộc phải sử dụng các từ ngữ Latin hoặc Hi Lạp
để diễn tả các hiện thực tinh thần cao nhất.
Phạm trù tác giả hoàn toàn không mang ý nghĩa gì. Trong bất kì
văn bản cổ nào đều không có vai trò cá nhân tác giả như ngày nay. Tinh
thần phổ quát không nhấn mạnh đến hiệu suất cá nhân con người,
không đánh giá, cũng như không dùng để nhận thức.
Ở châu Á, nơi, tinh thần của truyền thống một phần vẫn chính là
hiện thực sống, tình trạng trên ngày nay vẫn như vậy. Nếu khách lữ
hành châu Âu có mặt ở Ấn Độ nghe thấy một bản Ballad (bài hát cổ) và
thích, họ sẽ hỏi tên bài hát. Dịp khác, họ yêu cầu một danh ca khác hát
bài Ballad này, và khi người này hát, người châu Âu kia vẫn nhất định
không thỏa mãn. Không giống bài hát họ đã nghe.
Lúc đó người Ấn giải thích, ở Ấn Độ không có các cá nhân tự do
diễn đạt bản thân mình trong các tác phẩm âm nhạc và thi ca như ở
phương Tây. Người biểu diễn bị ràng buộc chặt chẽ vào các tác phẩm
họ diễn, cần giữ nguyên bản chất của tác phẩm. Sự ràng buộc này
không đem lại sự tùy tiện và không làm mất sự trung thành của bản
gốc. Thi ca và tác phẩm âm nhạc mang chất Âu châu, nếu được bảo tồn
trong hình thức truyền khẩu truyền thống như vậy, có thể sẽ tồn tại
hàng trăm năm và tinh thần của tác phẩm không hề bị thay đổi.
Bản anh hùng ca Homeros được trình diễn ở Hi Lạp là như vậy;
hoặc trường ca Nibelung và Edda cũng thế. Sự trung thành không biểu
hiện ra bên ngoài như hình thức theo chữ cái ngày nay nhiều khi hoàn
toàn đánh mất tinh thần bên trong của văn bản. Trong thời kì xưa người
ta gìn giữ sự trung thành đích thực, và vì vậy tên tuổi của các nghệ
nhân xưa lớn hơn nhiều, bởi tính chất đích thực của các buổi biểu diễn
của họ.