Trong thời lịch sử, ấn tượng hứng khởi (ekstazis) và nhập định (
epopteia) được coi là sự say mê, sự say sưa ngây ngất, nhãn thị siêu
nhiên được người ta cho là hiện tượng cực kì đặc biệt, hiếm hoi. Hướng
mở về phía những sức mạnh của sự sống và cái đi kèm theo: sự thiếp đi
của cái Tôi cá nhân và ý thức đi kèm, thường bị nhân loại thời lịch sử
coi là bệnh lí. Trong thời cổ, sức mạnh của sự sống hoàn toàn thẩm
thấu vào con người trong một đời sống mở hơn, sáng sủa hơn, tỉnh táo
hơn, một sự sống không thể so sánh nổi so với đời sống ngày hôm nay.
Trong sự sống mở, thế giới bên kia như một cái ngưỡng không hề
bị tách ra khỏi đời sống. Đối với con người lịch sử, điều này thật đáng
sợ. Đây là thời kì các huyền thoại kể rằng các thiên thần và con người
vẫn còn sống cùng nhau. Đây là thời kì, mối quan hệ của những người
đã sang thế giới bên kia chưa bị cắt hẳn.
Con người sống trong thiên nhiên vật chất luôn cho rằng đây là
nơi mình sống, đây là cách mình sống, và thế là sự sống siêu việt chỉ
còn là một phần hết sức bé nhỏ và chật hẹp. Cái chết đối với họ không
là gì khác ngoài sự khủng hoảng và thất bại mà linh hồn bị đánh đồng
với thể xác phải chịu đựng một cách vô lí. Họ không biết rằng, sự thất
bại cần phải trải qua trong không-thời gian ở đây là điều mà sự sống
siêu việt đòi hỏi. Bằng điều này, các bậc thang đi về phía sự sống làm
dịu đi cơn khủng hoảng trong ý thức con người.
Sự nhập định từng: một mặt là sự thức tỉnh của con người trong
một đời sống bị khóa kín, mặt khác là sự phá vỡ những giới hạn bị
khóa. Hai điều này không chỉ song song, mà là một và như nhau. Sự
thức tỉnh nâng con người lên sự sống cao hơn và cùng lúc mang lại sự
sống mở. Nâng lên mức độ mà từ tinh thần của sự sống siêu việt con
người nhìn đời sống trong thiên nhiên vật chất và đời sống trong thế
giới bên kia chỉ khác nhau về cường độ: đời sống trong vật chất hẹp
hơn, nhiều giới hạn hơn, non nớt hơn, bất lực hơn, u mê hơn, nhiễu
nhương hơn, vô nghĩa hơn; còn đời sống ở thế giới bên kia tự do hơn,
sáng sủa hơn, rộng hơn, có ý nghĩa hơn.