Chính những người thân mới là cản trở đáng ngại hơn cả đối với
người thực hành nhịn ăn, nếu họ không hiểu, chưa đồng tình sẽ cản
trở, tác động gây hoang mang, dao động cho người thực hành.
c. Nên có người theo dõi, giúp đỡ
Tốt nhất, nên có người nhiều kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực
này trực tiếp theo dõi, giúp đỡ trong suốt quá trình thực hành để
hướng dẫn, động viên, giải thích những biểu hiện trong quá trình
nhịn ăn... giúp người thực hành yên tâm và xử lý kịp thời khi cần
thiết, nếu có.
Một số bạn đọc có sáng kiến đã tổ chức một nhóm 5 – 7 người, đến
tôi nhờ hướng dẫn, theo dõi đợt nhịn ăn tập thể, như vậy sẽ rất tốt
và tiện lợi về nhiều mặt.
Không có điều kiện như vậy thì người thực hành càng cần phải
chuẩn bị tinh thần chu đáo hơn, quyết tâm cao hơn... tốt nhất nên
luôn có sẵn quyển sách này hoặc một tài liệu hướng dẫn thực hành
nhịn ăn đáng tin cậy bên cạnh, để đọc và tự giải thích các hiện
tượng có thể xảy ra, như vậy sẽ yên tâm, không lo lắng gì cả!
d. Bước vào đợt nhịn ăn
Để tránh cho cơ thể bị xáo trộn đột ngột, tốt nhất trước khi chính
thức bước vào đợt nhịn ăn vài ba ngày nên ăn cháo gạo lứt, hôm
sau ăn bằng một nửa hôm trước. Ngày thứ ba nên uống nước cháo
hay nước gạo lứt rang (không nên uống no), sau đó mới nhịn ăn
thực sự.
Nếu muốn nhịn ăn ngay, cũng được, nhưng với người thực hành lần
đầu sẽ khó thích nghi hơn, vì chưa quen với sự thay đổi đột ngột
của cơ thể.
Với người khỏe mạnh không bị bệnh viêm loét dạ dày, ruột... thì
trước khi nhịn ăn, tốt hơn nên rửa ruột (xem Phụ lục 7) thì đợt thực
hành sẽ kết quả tốt hơn. Không nên uống thuốc tẩy hay rửa ruột
bằng thuốc tẩy ngay trước, sau và đặc biệt trong khi nhịn ăn, sẽ làm
suy yếu dạ dày, ruột, rất có hại.