vô lại ở miền quê sống về lột các xác chết như vậy, lâu rồi người ta cũng coi
thường.
Khi có chiến tranh lâu, các đại danh địa phương cần đến bọn vô lại này,
thuê chúng đốt nhà, cướp lương, cướp ngựa, phao tin thất thiệt ... Thường
thường chúng được trả công, nhưng trong thời chiến, chúng chẳng cần gì
công xá. Ngoài những đồ vật quý giá lột được ở các xác chết ra, có khi
chúng còn chặt đầu những kiếm khách chẳng may bỏ mình nơi trận địa đem
về lĩnh thưởng.
Chỉ một trận quan trọng cũng đủ cho những tên vô lại như vậy sống sung
túc hàng năm hay ít nhất sáu tháng. Vào những năm quá tao loạn, giới tiều
phu và trại chủ lương thiện cũng học thói kiếm lời trên xương máu và sự
đau khổ của người khác. Khi chiến tranh xảy ra gần làng, trồng trọt cày cấy
không được, họ vội vã khai thác ngay hoàn cảnh mới, tìm cách sống như
những con kên kên trên xác chết đồng loại. Cũng vì thế các tay cường đạo
chuyên nghiệp đã phải kiểm soát gắt gao khu vực làm ăn của chúng và ra
tay trừng phạt không thương xót kẻ nào xâm phạm vào những khu vực ấy.
Akemi rùng mình nói:
- Bây giờ làm sao ? Tôi chắc bộ hạ của Tenma thế nào cũng đến đây.
- Cô đừng lo ! Nếu chúng đến tôi sẽ cho chúng biết tay.
Khi hai người xuống đến chân núi, hoàng hôn đã bắt đầu phủ lên miền
hoang dã.
Cảnh vật đìu hiu, cô tịch. Một vệt khói lam từ trong bếp do Oko đun nước
tắm bốc ra còn vương trên đầu những ngọn sậy cao, như con rắn uốn éo trên
không.
Oko đã trang điểm xong, đứng tựa cửa sau nhìn ra ngoài. Thấy con gái đi
cùng với Takezo, bà cất cao giọng:
- Akemi ! Mày làm gì ở ngoài đó mà đến bây giờ mới về ?
Ánh mắt bà có vẻ nghiêm khắc. Akemi giật mình. Hơn tất cả mọi thứ, nàng
sợ nhất những cơn thịnh nộ của mẹ. Oko biết vậy nên lợi dụng sự sợ hãi ấy,
sai khiến nàng như sai khiến một con rối, nhiều khi chỉ bằng cái lừ mắt
hoặc cái trỏ tay.
Akemi rời Takezo, mặt đỏ bừng, chạy vào trong nhà.