cái bao gấm cũ, đường chỉ và dây đeo đã sờn nhiều chỗ, nhưng tất cả vẫn
còn mang một vẻ thanh lịch tàn tạ.
Takuan hỏi:
- Ta mở được không ?
- Vâng, thầy cứ mở. Bây giờ chẳng còn gì quan trọng nữa.
- Con thổi đi. Để con thổi ta ngồi đây nghe có lẽ hơn.
Nhà sư cúi đầu, tay bó gối, yên lặng. Otsu khiêm tốn:
- Con thổi không hay lắm, nhưng xin cố gắng, thầy đừng cười.
Nàng trịnh trọng quỳ xuống cỏ, xốc lại cổ áo, đặt cây sáo trước mặt rồi kính
cẩn cúi đầu. Takuan ngồi yên như tượng, tâm hồn ông để tận đâu đâu, như
tan biến vào không gian cô tịch. Trong cái hun hút của đêm sâu, hình ông
ngồi đó mà thật chẳng khác gì phiến đá ở sườn non.
Đầu hơn nghiêng, Otsu đưa cây sáo trúc lên môi. Bây giờ nàng là hiện thân
của nghệ thuật, quyền uy và chững chạc. Nàng khẽ thấm ướt miệng sáo rồi
quay lại Takuan nghiêng đầu xin lỗi một lần nữa. Nhà sư trang trọng đáp lễ
theo nghi thức.
Trong bầu không khí tĩnh mịch của đêm khuya, tiếng sáo bắt đầu nổi lên,
trong vắt. Những ngón tay búp măng thoăn thoắt nhẹ nhàng nhảy múa trên
ống trúc. Takuan thấy tâm hồn phiêu diêu theo điệu sáo bay vút tận trời
xanh, vương vấ n cùng mây ngàn trên những đỉnh cao sơn thanh khiết. Khi
trầm, tiếng sáo tựa nước chảy qua khe, khoan như gió thoảng rừng thông,
mau như chim ca ríu rít, tiếng nọ theo tiếng kia cùng nhau hòa hợp gây
thành một âm hưởng mê hồn, vừa như ca ngợi niềm hoan lạc, vừa như than
thở nỗi phù du của cuộc sống.
Takuan ngồi yên nghe sáo, ngơ ngẩn xuất thần. Ông mường tượng sống
trong huyền thoại về hoàng tử Hiromasa đương thổi sáo dưới trăng trước
một cổng chùa ở Kyoto bỗng nghe tiếng địch đâu đâu họa lại. Hoàng tử lần
theo điệu nhạc tìm đến thì thấy một người cũng đang say mê đắm chìm
trong tiếng nhạc. Hai người đổi sáo cho nhau và cùng hợp tấu đến khi trời
sáng. Sau biết ra thì tri âm của ông chính là một ngạ quỷ biến thành người.
“Đến giống quỷ xấu xa còn cảm thông được với âm nhạc huống chi con
người có thất tình, làm sao mà cưỡng lại được tiếng sáo của Otsu”. Ông