về khuya.
Tiếng trống cái càng lúc càng dồn dập. Khúc ca đổi khác, điệu múa nhanh
hơn, rồi quay cuồng như trong một cơn lốc, cả đoàn vũ công chạy tròn
quanh sàn gỗ, những chiếc mặt nạ lắc lư, kệch cỡm nhìn đám người lố nhố
đứng dưới sàn qua đôi mắt trắng dã ghê sợ. Musashi biết cảnh này. Hắn
cũng thuộc cả lời của khúc ca diễn tả những khổ hình dưới âm ty trừng phạt
kẻ báng bổ thần linh. Hắn nhìn hai tay người đánh trống cái. Đột nhiên, sự
phát hiện nổ ra như tiếng sét. Hắn nín thở.
- Phải rồi ! Phải rồi ! Song kiếm !
Musashi mừng rỡ hét lên. Vài người đứng gần quay đầu lại tưởng hắn điên,
nhưng rồi sự ngạc nhiên của họ cũng qua mau. Tiếng hét của hắn chìm ngay
vào âm thanh cuồng loạn của điệu nhạc và những tiếng chân dậm thình
thịch trên sàn gỗ.
Sannosuke ngồi vắt vẻo trên cành cây ngay trên đầu Musashi nhìn xuống:
- A ! Thầy đã đến ! Con ở trên này, thầy !
Musashi chẳng nghe thấy gì. Mắt hắn chăm chú dán vào đôi tay kẻ đánh
trống. Không phải trong sự mê say âm hưởng của loại nhạc khí cổ điển này
nhưng hoàn toàn bị khích động bởi đôi dùi trống.
- Phải rồi ! Hắn lẩm bẩm. Đôi dùi trống và song kiếm ! Cùng một nguyên
lý. Hai chiếc dùi trống, một tiếng phát ra.
Musashi khoanh tay, đăm đăm quan sát từng cử động của người đánh trống.
Thật là giản dị. Người ta sinh ra có hai tay, tại sao không dùng cả hai ?
Trong cuộc giao đấu, mọi người thường chỉ dùng một kiếm, mãi rồi thành
quen, thành lệ. Nếu cầm kiếm tay phải, tay trái sẽ không còn thuần thục
nữa. Cầm kiếm cả hai tay, lợi biết bao nhiêu. Trước đây, trong trận chiến
dưới gốc cổ tùng, hắn đã dùng cả hai kiếm, trường kiếm tay phải, đoản
kiếm tay trái. Nhưng đó là một hành động phá lệ, không chính thống. Đối
diện cái chết trước mắt, như một con thú bị dồn vào chân tường, hắn phải
tận dụng mọi phương tiện và khả năng để tự cứu. Bây giờ, hắn thấy hành
động ấy thật tự nhiên, nếu không nói là muốn chiến thắng mà không hành
động như thế thì thật dại dột.
Trong binh pháp, không một võ tướng nào cầm quân lại dại dột chỉ bảo vệ