Đàn chó thường thả rông, sục sạo khắp nơi, xông cả vào trại của nông phu
dưới chân núi phá phách và bắt gia súc ăn thịt. Nhưng cư dân không dám
động đến. Họ coi chúng là những sinh vật do thần linh sai khiến để giám hộ
tài sản của đền nên chỉ biết dựng rào cao để ngăn chặn.
Đàn chó được giao cho một lão tráng thủ hộ. Lão tuổi chừng năm mươi,
mặt hơi rỗ, tuy phục sức tươm tất, áo màu dà, quần gai bó chẽn nhưng ăn
nói lỗ mãng, điệu bộ hung hăng chẳng thua gì đàn sơn cẩu.
Đêm hành lễ, đi tuần, lão dẫn theo một con chó lông đen to như con bê con.
Con chó quả thật dữ tợn. Đi bên lão, nó cứ hực lên gần như lúc nào cũng
chỉ muốn chồm tới cắn người. Tuy khỏe mà lão phải cố gắng lắm mới ghìm
lại được, sợi dây xích căng thẳng tưởng chừng muốn đứt. Con vật ghê gớm
quá, chẳng ai dám đến gần. May mà người giữ chó dẫn nó xa xa ở vòng
ngoài nên cũng không gây náo loạn gì mấy.
Đang đi, bỗng lão dừng bước, lánh xa đám đông rồi suỵt chó lẩn vào một
đường rẽ.
Đến nơi có vài quán nhỏ lẫn mấy căn lều gỗ mới dựng, bày bán lèo tèo
những đồ tế tự hoặc kỷ vật thô sơ bằng tre cho khách thập phương, lão đi
chậm lại đưa mắt nhìn các bảng hiệu. Khách đã thưa, phần lớn có mặt ở
đám lễ trên đền. Đèn nến cũng bớt sáng, tiếng cười nói ồn ào chỉ còn văng
vẳng. Bên gốc cây, một cặp vợ chồng già ngồi quanh ngọn lửa chăm chú
nấu món ăn tối trong chiếc nồi đất. Mùi đậu đỏ lẫn với mùi khói củi còn
tươi bốc lên hắc và hơi ngọt. Thấy con chó tiến đến bên, người vợ sợ hãi
nép vào bên chồng. Lão dắt chó giật mạnh sợi dây xích, suỵt con vật rồi hỏi
một câu sẵng:
- Quán trà mụ Oko ở phía nào ?
- Dạ, đằng kia. Trước quán có treo lồng đèn.
Vừa chỉ, người chồng vừa kéo vạt áo che ngực.
Chẳng cảm ơn mà cũng chẳng hỏi gì thêm, lão xăm xăm dẫn chó đi sâu vào
con đường tối. Đến một căn nhà gỗ nghèo nàn, trước cửa treo hai cây đèn
lồng đề bốn chữ “Thanh Sơn lữ điếm” nhưng một cây đã tắt nến, lão bước
vào:
- Chủ quán đâu ?