- Tốt ! Như thế mới xứng đáng là hảo đồ đệ của sư phụ chứ !
Nói đoạn, cầm tay Sannosuke nắm chặt. Trong cái nắm tay ấy như gửi gấm
bao nhiêu thương yêu, tin cậy của người huynh trưởng đồng môn.
Sannosuke nhìn Gonnosuke trở lại đường cũ đến khi khuất dạng mới bước
ra khỏi khu rừng thưa. Bây giờ nó thấy tự tin hơn và không sợ hãi. Định
hướng xong, xuống đồi theo phía mặt trời lặn mà đi. Được một quãng khá
xa thì gặp rừng tranh dày đặc, lau từng bụi mọc cao quá đầu. Quanh quẩn
một hồi không tìm được lối ra mà mặt trời cũng không biết ở hướng nào
nữa. Thỉnh thoảng, một con chim bay vụt ra như mũi tên vút lên cao, buông
tiếng kêu sắc nhọn. Mệt và khát, nhìn xa xa thấy một tảng đá lớn,
Sannosuke vạch cỏ đi lại phía ấy. Đến gần thì ra một ông phỗng ai đặt ở đó
từ bao giờ, mưa nắng đã soi mòn các góc cạnh, chỉ còn lờ mờ nét vẽ trên
mặt. Nó ngồi nghỉ sau lưng ông phỗng đá, khuất trong bụi lau, ngủ quên lúc
nào không biết.
Khi trời đã chạng vạng, bỗng nghe phía trước có tiếng thì thầm của hai
người đang nói chuyện. Hai người qua đây có lẽ cũng dừng lại nghỉ chân
như nó, nhưng ngồi trước mặt ông phỗng. Gần đấy, một con lừa tải cái
rương nhỏ sơn then phủ tấm nhiễu đề hàng chữ lớn:
“Đồ mỹ nghệ sơn mài dâng quan trấn thủ”.
Hai người một già một trẻ trò chuyện có vẻ tương đắc, thỉnh thoảng cười
nho nhỏ.
- Ngươi thấy đấy ! Chở đồ trong rương đi thế kia có mà thánh biết !
- Kế của phụ thân hay thật. Giá có ai nghi ngờ cũng không dám chặn lại đòi
mở ra xét.
- Ừ. Theo ta thì phải mở mắt ra mà học. Jotaro ! Ngươi là đứa trẻ thông
minh lại còn trẻ, sau này chắc sẽ hơn ta.
- Dạ, con xin cố gắng.
Giọng ông già cười hắc hắc:
- Tốt ! Tốt lắm ! Ngươi tuy là nghĩa tử nhưng ta coi như con ruột. Nếu
thành công, ngươi sẽ giàu sang quyền quý không ai bằng !
Nghe lỏm những lời trò chuyện của hai cha con. Sannosuke giật mình. Nó
đoán ngay được trong rương kia đựng những gì và hai cha con lão này,