từ biệt bà ra đi, mặc bộ áo vải thô, trên lưng chỉ đeo có cây trường kiếm. Bà
gật đầu thỏa mãn:
- Ta rất vui lòng thấy ngươi đã thành đạt !
- Đa tạ di mẫu. Xin di mẫu tha lỗi cho cháu đã không viết thư về thăm hỏi
trong suốt thời gian ấy. Cháu tự xét chức vụ còn thấp kém nên không dám
làm bận tâm gia đình.
Bà cười rộng lượng:
- Không hề gì. Ta vẫn theo dõi và biết tin ngươi qua những khách thương
lui tới tỉnh Suo cất hàng. Lại nghe nói có nhiều kiếm sĩ trong vùng cũng đáp
tàu đi Kokura chờ kết quả cuộc đấu. Chỉ tiếc vì có lệnh cấm đến gần đảo
Funashima nên chưa biết tìm cách gì mà coi cho rõ.
- Nếu di mẫu muốn, cháu sẽ xin với thiếu gia mời di mẫu lên khán đài.
- Ấy là nói các kiếm sĩ kia chứ ta biết võ công gì đâu mà coi. Kojiro ! Ta từ
quê lên đây thăm ngươi, nhưng chủ ý cốt dặn ngươi phải thủ thắng, nếu
không cả họ sẽ bị nhục lây đó !
Nhưng vừa dứt lời, nhìn nét mặt Kojiro, bà bỗng thấy hối hận. Lời dặn của
bà quả là thừa. Trong ánh mắt kiêu căng của hắn, thoáng hiện vẻ bực dọc,
bất mãn khiến bà bối rối. Kojiro không còn là đứa cháu nhỏ cần đến sự
khuyên bảo hướng dẫn của bà hay của bất cứ ai khác nữa.
Bà cúi xuống, giơ tay với cái bọc vải kéo đến gần, mở ra cầm tấm áo lót gấp
rất cẩn thận đưa Kojiro:
- Ta có vật này cho ngươi. Ta đã lên chùa cầu xin các thầy ban phúc, mặc
vào sẽ tránh được tai họa. Ngươi hãy mặc nó trước khi lâm trận.
Kojiro trịnh trọng đưa hai tay đỡ chiếc áo, giở ra ướm thử lên ngực. Trên
mặt áo, tên chư Phật, tên các thần linh và bùa chú được vẽ ngoằn ngoèo chi
chít.
Kojiro cúi đầu cảm tạ, gấp áo lại rồi nói:
- Di mẫu đi đường chắc mệt, xin mời di mẫu đi nghỉ.
Đoạn gọi con hầu dẫn bà sang phòng riêng.
Ngồi một mình, nghĩ đến những lời dì hắn vừa dặn, Kojiro cảm thấy trách
nhiệm đè nặng trĩu trên vai. Gia đình, bằng hữu, chủ soái, đồ đệ, mọi người
ai cũng giục hắn phải thắng. Đến chính hắn, hắn cũng thấy thế. “Phải thắng