Nagoya, Osaka, Kobe cũng chịu những trận không kích tương tự như thế
vào thời kỳ này. Hơn thế nữa, mục tiêu không kích từ những đô thị lớn đã
mở rộng ra đến các địa phương làm cho gần như tất cả thành phố trên toàn
Nhật Bản bị thiêu cháy hết cả. Số lượng người chết vì bị không kích trong
cuộc chiến tranh này được nhận định là hơn năm trăm ngàn người.
Dĩ nhiên đây chỉ là con số ước tính những người thương vong mà thôi,
còn số những đứa trẻ mất cha mẹ, những người bị cướp mất nhà cửa thì
không thể tính hết được. Nền tảng để tạo dựng một xã hội Nhật Bản hoàn
toàn bị tiêu diệt, trước tiên là nhà xưởng – cơ sở sản xuất bị đánh sập, hệ
thống giao thông bị phá hủy, cơ quan chính trị bị tê liệt. Cả đất nước Nhật
Bản đã trở thành một chiến trường.
Thêm vào những cuộc không kích là tình trạng thiếu thốn lương thực
nhu yếu phẩm ngày càng thêm trầm trọng do chiến tranh liên tục kéo dài.
Tại thời điểm công kích Trân Châu Cảng, toàn Nhật Bản phải dựa vào
nguồn lương thực nhập khẩu từ Triều Tiên, Đài Loan, Trung Quốc với ước
tính 31% gạo, 92% đường, 58% đậu nành, 45% muối. Nếu bắt đầu chiến
tranh thì chắc chắn nguồn cung cấp từ nước ngoài sẽ bất ổn, tình trạng thiếu
lương thực sẽ thành trầm trọng là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Không
chỉ những nguyên vật liệu chiến lược như dầu mỏ, quặng sắt mà ngay ở
điểm không thể đảm bảo nguồn thực phẩm thì Nhật Bản không thể nào là
đất nước cho phép chiến tranh xảy ra được.
Do dự kiến được việc thiếu thốn lương thực trầm trọng như thế này
nên Chính phủ vào năm 1942 (năm Chiêu Hòa thứ mười bảy) đã ra chế
định về luật quản lý lương thực, thiết lập sự quản lý trên toàn quốc về tất cả
các loại lương thực mà chủ yếu là gạo. Dưới chế định này, Chính phủ mua
lương thực và nông sản từ người sản xuất rồi phân phối cho người tiêu
dùng. Hành trình lưu thông được thiết định nghiêm ngặt. Ngoài hành trình
này, việc buôn bán nào được tiến hành thì được gọi là “chợ đen”, tức là bất
hợp pháp. Gần nửa sau cuộc chiến tranh, do địch quân công kích khiến việc