ăn trong nhà chẳng còn lại gì nữa, chúng tôi đành phải ăn lúa mì và tiểu
mạch cầm hơi.
Người ta nói “chiến tranh đã kết thúc” vào mùa hè năm 1945 (năm
Chiêu Hòa thứ hai mươi). Nhưng đối với chúng tôi, mùa hè năm đó là bắt
đầu những tháng ngày gian khổ hơn thời chiến. Tất cả những khổ nạn của
cuộc sống tiếp diễn liên tục đối với những người dân đều là chiến tranh.
Đối với chúng tôi mà nói, chiến tranh vẫn chưa kết thúc.
Cơm hộp lúa mạch
Đây là chuyện vào đầu mùa hè tôi trở thành học sinh lớp ba trường
Quốc dân học hiệu. Từ khi nhận giấy báo tử của cha tôi đến giờ đã một
năm trôi qua. Mẹ tôi tuy không khỏe vẫn ráng hết sức quán xuyến mọi việc
và lo lắng cho sáu đứa con còn lại, từ việc chăm nuôi bò cho đến chăm đứa
con gái út vừa mới lên ba.
Ngày hôm đó tôi ăn cơm hộp ở trường. Mọi người vội vàng trải rộng
những tờ báo hay tấm khăn furoshiki ra trên bàn và bắt đầu ăn cơm hộp của
mình. Bất chợt tôi nhìn thấy cô bạn ngồi ngay chiếc bàn phía trước đang ăn
cơm và dùng tay trái che lại hộp cơm của mình. Vì bạn ấy gục đầu mà ăn
nên tóc như chạm cả xuống mặt bàn.
Tại sao bạn ấy lại có kiểu ăn như vậy nhỉ?
Tôi nhìn từ phía sau. Hộp cơm cô bạn ấy đang ăn chỉ có lúa mạch và
quả mơ muối mà thôi.
Trong cơm hộp có lúa mạch?
Trong hộp cơm của tôi là cơm trắng và các bạn xung quanh cũng vậy.
Vì thế mà trong đầu tôi cứ đinh ninh rằng cơm hộp của ai cũng có cơm
trắng. Vậy mà tại sao chỉ có cơm hộp bạn này lại là lúa mạch nhỉ? Không
suy nghĩ cẩn thận gì, tôi vô tư mà nói: