“Này này nhìn xem, nhìn xem, ăn cơm hộp lúa mạch này.”
Có lẽ lúc đó tôi gần như đứng lên thì phải. Nghe thấy thế, không chỉ
lớp ba mà cả học sinh lớp bốn cũng nhất loạt vây quanh chiếc bàn của bạn
ấy.
Bạn ấy xấu hổ quá, vội vàng đẩy nắp hộp cơm đang ăn dở, gói lại
trong giấy báo rồi hớt hải bỏ sách học, tập vở, hộp bút vào trong khăn
furoshiki vừa khóc vừa đi ra khỏi lớp.
Một lúc sau tôi bị thầy phụ trách năm lớp một, hai gọi lên phòng giáo
viên. Thầy nói với giọng nghiêm khắc:
“Tại sao em lại làm tổn thương người khác như vậy?”
Thầy nắm lấy tay tôi lặp lại lời nói như trách móc:
“Hãy đặt mình vào trường hợp của bạn ấy mà suy nghĩ xem.”
Thầy gần như sắp khóc.
“Em hãy đứng trước phòng giáo viên suy nghĩ kỹ xem mình đã làm
điều gì đi.”
Thầy bắt tôi suy nghĩ xem đã gây ra những chuyện gì…
Khi đứng trước lớp, con trùn hiếu thắng trong ngực tôi đã bốc lên đầu.
Tôi từ nhỏ vốn là một đứa trẻ hoạt bát ưa quậy phá. Mỗi khi đi học về, thấy
đi theo con đường ngoằn ngoèo phiền phức quá nên tôi cứ đi thẳng xăm
xăm băng qua bụi rậm, đi theo con đường không phải là đường.
Tại sao tôi lại bị trách mắng như vậy cơ chứ?
Tôi đâu có ý khinh miệt gì cái “cơm lúa mạch” đâu. Ở nhà tôi cũng ăn
cơm lúa mạch mà. Hơn thế việc thổi cơm là nhiệm vụ của tôi nữa.