Vì vậy, đầu tiên tôi tự mình kêu gọi thành lập Chi hội hữu nghị Việt –
Nhật ở Okayama. Chi hội này gồm những gia đình có người thân mất trong
Chiến tranh Thái Bình Dương như trường hợp của tôi, những người đã từng
có kinh nghiệm sống ở Việt Nam và có mối thiện cảm với đất nước này,
cùng với những người muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam sau
chiến tranh. Người tham gia rất đa dạng và sau chuyến gặp gỡ lần đầu tiên,
tôi hiểu rằng người quan tâm đến Việt Nam trong tỉnh Okayama tương đối
nhiều. Kết quả của sự kêu gọi này là Chi hội hữu nghị Việt – Nhật tại
Okayama được thành lập với hơn hai mươi người tham gia.
Công việc của chúng tôi là học tiếng Việt, cùng với người Việt Nam
sống tại Nhật cùng nhau học nấu ăn hay dạy cho người Việt Nam chơi cờ
vây Nhật Bản. Chúng tôi bắt đầu những hoạt động giao lưu rất đa dạng.
Vừa tham gia những hoạt động của Chi hội, tôi vừa nói chuyện với các
thành viên về chuyện người cha hy sinh trong chiến tranh và mong được
giúp đỡ trong việc tiến thành nghi lễ tế vong linh người đã khuất.
Một điều may mắn là ở Chi hội Okayama có nhiều người duy trì mối
liên kết với người Việt Nam theo những hình thức khác nhau. Có người là
phóng viên ảnh trong quá trình quyên góp dụng cụ y khoa đã mở rộng mối
quen biết của mình với rất nhiều bệnh viện và tiếp tục tìm hiểu tác hại của
chất khai quang mà quân đội Mỹ thả xuống trong Chiến tranh ở Việt Nam.
Có người làm công việc tuyển tu nghiệp sinh Việt Nam qua lao động tại
Nhật, có mối quan hệ thân thiết với người Việt Nam ở cơ quan phái cử. Vì
cũng có người đã sống ở Việt Nam nhiều năm nên tôi có thể hỏi thăm
tường tận về thông tin cũng như tình hình xã hội ở Việt Nam. Trong khi nói
chuyện về việc tổ chức một buổi tế vong linh trên biển, triển vọng thực
hiện được việc này mở ra vào năm 2009 (năm Bình Thành thứ hai mươi
mốt).
Nhà doanh nhân làm việc tìm kiếm khoáng vật ở Quảng Ngãi đó có
mối liên hệ với Chi hội ở Okayama, nhờ thế mà một thành viên trong hội