Bạch Bán Lạp khi đó nghèo đói tới mức sắp không có gì ăn rồi nhưng
vẫn mặc cho Lão Nghĩa khuyên sống khuyên chết, một mực không động
tâm. Không phải gã không muốn phát tài, cũng không phải là không có lá
gan, vậy thì lý do tại sao?
Cái đó cần phải xem lại chuyện trước kia, lúc gã còn là một tiểu tử
chừng mười tuổi, không người thân thích, chạy nạn đến biến giới Liêu Hà,
sống bằng nghề chăn trâu thuê. Ở nơi đó, ông chủ gọi bọn đầy tớ nhỏ như
gã là tiểu bán lạp, nghĩa là làm một nửa việc, ăn một nửa cơm. Ông chủ này
của gã tuy không phải là địa chủ, nhưng có mấy thưởng đất (1 thưởng =
khoảng 1ha), hai con trâu cùng vài con la, ngựa, tìm tiểu bán lạp để ban
ngày chăn trâu, ban đêm cho gia súc ăn, một ngày cho gã hai bữa cơm, buổi
sáng ăn khô, buổi chiều ăn cháo loãng.
Phía đông nhà có một cái sân, phòng lát gạch vuông, tường cũng lát
gạch vuông. Đầu phía tây gần một tòa điện trấn sông, trong điện thờ Long
Vương, lâu rồi không ai hương khói, giăng đầy bụi đất mạng nhện, bên
ngoài hiên đã sụp một nửa. Đền tuy rằng đổ nát nhưng truyền thuyết nói
rằng nơi này có thần tiên.
Ông chủ là người từ nơi khác đến, vốn không tin ba cái chuyện cũ rích
kia, lại muốn mở rộng sân viện, hắn mượn bức tường phía sau điện trấn
sông, làm hai gian nhà gạch mộc. Tường điện bằng gạch viên, tường nhà
làm bằng gạch mộc đắp đất, ba mặt tường nhà đất bám lấy một mặt tường
gạch. Dù sao người cũng không dám ở, chỉ để làm kho chứa củi nên cũng
không lo sụp. Trước vựa củi làm một cái chuồng gà, nuôi một ổ gà, hàng
ngày đẻ trứng. Mỗi buổi sáng cũng nhặt được khoảng hai chục trứng. Ở góc
vựa củi có một cái hũ lớn đựng trứng có nắp đậy rồi lại dùng tảng đá chẹn
lên trên để tránh cáo hoang ăn trộm. Nhưng điều kỳ quái là, qua ngày hôm
sau nhìn vào hũ, toàn bộ trứng bên trong đều không thấy, chỉ còn lại vài cái
vỏ trứng rỗng.