Nhưng thứ hoa mà Taverniere gọi là bayne thì tôi không chắc chắn lắm. Thứ
nhất, có một loại hoa hồng màu trắng phơn phớt hồng. Tiếp đến là loài hoa
hồng có màu đỏ lẫn với sắc vàng. Các giống hồng này được trồng thành
khóm, không có gai cũng chẳng có mùi thơm.
Có một loại hoa chỉ có nụ, trông giống như loài bạch hoa nhưng có kích
cỡ nhỏ hơn, mùi hương tương tự những loài hoa khác mà tôi biết và có thể
giữ hương khoảng nửa tháng cho dù đã bị hái khỏi cành. Các cung nữ
thường dùng mùi hương này để xông xiêm y của họ.
Giống hoa huệ trồng ở đây cũng như một số vùng thuộc Ấn Độ có hình
dáng tựa như loài hoa huệ ở châu Âu nhưng kích cỡ nhỏ hơn nhiều. Hoa có
màu trắng, mọc trên thân cây cao, trông rất ưa nhìn, dù không được thơm
lắm.
Ở Đàng Ngoài có một loài hoa nhỏ màu trắng tuyết, mọc trên khóm thấp,
hương thơm tựa hoa nhài nhưng mùi thơm mạnh hơn. Ở xứ Ba Tư có rất
nhiều, người ta chiết xuất để lấy nước thơm và xuất khẩu ra bên ngoài qua
các thuyền buôn. Người Đàng Ngoài không chuộng loài hoa này lắm nên tôi
cũng không bàn thêm.
Mía được trồng rất nhiều ở Đàng Ngoài. Bản thân người Đàng Ngoài
không giỏi về kỹ thuật tinh chế đường mà vẫn sản xuất theo lối riêng của họ
để phục vụ tiêu dùng. Người ta không ăn đường sau bữa cơm như
Taverniere mô tả mà vào các dịp nhất định.
Ở Đàng Ngoài có hổ và hươu đực nhưng số lượng không nhiều. Khỉ thì
nhiều vô kể. Bò, lợn, gà, vịt, ngỗng thì nhiều không kể hết. Ngựa xứ Đàng
Ngoài nhỏ nhưng dũng mãnh và nhanh nhẹn. Không phải là người ta không
dùng ngựa để cưỡi mà chỉ để lấy thịt. Ngựa rất hữu dụng cho nhiều công
việc.
Voi được huấn luyện cho mục đích chiến trận và không to đến mức kỳ lạ
như Taverniere mô tả bởi tôi đã chứng kiến những con voi to hơn nhiều ở
Xiêm. Chúng cũng chẳng khéo léo hơn những con voi xứ khác, được huấn
luyện biết quỳ xuống để quản tượng trèo lên.