Đối với thương nhân ngoại quốc, những kẻ mới đến không chỉ chịu đựng
mọi thiệt thòi trong mua bán mà còn khổ sở vì trăm nghìn điều bất tiện khác.
Chẳng có bất kỳ quy chế nào về xuất khẩu và nhập khẩu. Bọn quan lại tham
lam xới tung hàng hóa trên tàu, dùng danh nghĩa nhà Vua để lấy bất kỳ hàng
hóa gì có thể đem bán ra thị trường để kiếm lợi. Với những vấn nạn này
chẳng có biện pháp nào khác ngoài việc nhẫn nhục chịu đựng.
Tuy nhiên, những người đã thông thạo ở Đàng Ngoài gánh chịu ít thiệt
thòi hơn những kẻ mới đến, tránh được móng vuốt của bọn tham quan dù
cũng phải chịu phần nào thiệt hại và khó chịu. Có thể nói rằng, ở thời điểm
hiện tại việc buôn bán với Đàng Ngoài thuộc loại ngán ngẩm nhất trong toàn
xứ Đông Ấn. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao ông Taverniere có thể nói
rằng việc buôn bán ở xứ Đàng Ngoài thật dễ chịu bởi tôi chắc rằng nếu đã
thỏa thuận trong mặc cả mà sau đó bị lỗ trong buôn bán thì phần thua thiệt
luôn rơi vào phía bạn. Chẳng có gì chắc chắn được bán trong suốt ba hoặc
bốn tháng, rồi đến khi bạn có nguy cơ bị mất trắng số hàng đã bán, hay ít
nhất cũng là đối mặt với trăm nghìn khó khăn để thu nợ, thì cuối cùng vẫn
phải chịu đựng hoặc là nhận tiền kém chất lượng, hoặc là nhận những loại
hàng hóa bán ra không có lời lãi gì. Sự tệ hại và rối ren trong buôn bán đề
cập trên đây chủ yếu là do sự bần hàn chứ chẳng phải từ lý do gì khác.
Chẳng có lấy một thương nhân Đàng Ngoài nào có đủ tiềm lực cũng như sự
can đảm để mua đứt và thanh toán dứt điểm món hàng trị giá 2.000 đô-la.
Nhưng xét cho cùng thì người Đàng Ngoài không đến mức lừa lọc và gian
trá như người Tàu. Có thể họ không tinh ranh như người Tàu và cũng kém
người Tàu trong hoạt động kinh doanh.
Một khác biệt nữa giữa hai dân tộc này là người Đàng Ngoài sẽ liên tục
xin xỏ và bòn rút bạn nếu như bạn có việc với họ, trong khi người Trung
Quốc vô cùng độc ác và khát máu, sẵn sàng giết người một cách không ghê
tay hoặc ném người ta xuống biển chỉ vì một xích mích nhỏ.
Một cản trở khác với hoạt động mậu dịch là triều đình cho phép một
lượng lớn bạc do thương nhân nước ngoài đem vào vương quốc (thường
khoảng một triệu đô-la mỗi năm) được xuất sang Bowes và Trung Quốc
nhằm đổi lấy tiền đồng - vốn lên hay xuống tùy theo việc Chúa chi phối theo