Sau khi đã nói kỹ càng về luật pháp cũng như các thủ tục tiến hành kiện
cáo, tôi xin chuyển sang một vấn đề khác: chính sách của Đàng Ngoài, trong
đó có sự tôn kính của thần dân dành cho vị Vua Lê, cho dù nhà Vua chẳng
có mảy may quyền hành gì. Chúa thường được ca tụng là đã trung thực với
lời hứa thiêng liêng rằng sẽ duy trì ngôi báu của hoàng gia cũng như gìn giữ
luật pháp và thể chế của vương quốc chứ không thay đổi gì, mặc cho trong
thực tế rất mâu thuẫn với việc Chúa tiếm hết quyền của Vua.
Sở dĩ có chuyện này là bởi Vua Lê được đảm bảo tiếp tục tồn tại mặc dù
đã bị Chúa lột sạch quyền lực. Tôi nghĩ là chuyện này thật chẳng có ở xứ
nào khác, cũng chẳng xảy ra trong lịch sử của bất kỳ một dân tộc nào. Chính
trị gia ở các nước khác nghe chuyện kỳ lạ này chắc khó có thể tin được.
Không phải do lo sợ đối với Trung Quốc mà Chúa đành lòng ngồi dưới Vua
để không có thể lật đổ Vua. Không phải do Chúa không hiểu về quyền lực
hay sự cám dỗ của hào quang vương miện bởi kể cả những kẻ không có điều
kiện còn dám mơ tưởng đến. Cũng không phải Chúa xa lạ với lối hành xử
của các nhà Vua chuyên chế trong các xã hội phương Đông - nơi bằng mọi
cách họ đã giữ lấy quyền lực mình chiếm hữu được cho dù hành động đó
làm băng hoại luật pháp và tính thiện cũng như phá vỡ các pháp điển của cả
con người và đấng thiêng liêng.
Trong thực tế, chúng ta có thể nói rằng những vị Chúa Trịnh ở Đàng
Ngoài khá chừng mực, không có những đặc tính xấu mà các vị bạo chúa
thường có như tham vọng, tham lam, tàn ác. Một minh chứng thuyết phục
cho những đặc tính này của các Chúa Trịnh là việc họ thường cất nhắc anh
em mình vào các vị trí quan trọng như quan đầu tỉnh, chỉ huy quân đội...
Nhìn chung, Chúa còn quá khoan dung rộng lượng trong việc giết hại anh
em để phòng xa cho sự an toàn tưởng tượng của mình.
Tôi biết là chỉ có một vị bị Chúa ra lệnh đầu độc. Nhưng tôi có thể khẳng
định rằng trường hợp đó là cần thiết bởi trong hoàn cảnh đó không có sự lựa
chọn nào khác để đảm bảo cho tính mạng của ông. Tôi sẽ kể chuyện này
trong chương sau.
Phương thức phong chức tước cho những người học hành đỗ đạt, như tôi
đã mô tả ở phần trước, có thể nói là công bằng và hợp lý - một hình thức ban