kia phải đối đầu với lũ cận vệ hoặc Hồi vương Thổ Nhĩ Kỳ phải đương đầu
với đám vệ binh của mình. Chúa rất khéo trong việc luân chuyển binh sĩ từ
chỗ này sang chỗ khác, luân phiên thay đổi người chỉ huy, đồng thời luôn
tạo việc để cho chúng bận rộn mà tránh rơi vào tình trạng nhàn cư vi bất
thiện. Nhưng điều tệ nhất trong chuyện này là Chúa thường dùng bọn hoạn
quan làm tướng lĩnh. Có nhiều người tin rằng việc dùng hoạn quan vào
những vị trí trọng yếu đó chính là nguyên nhân chính khiến Đàng Ngoài đã
nhiều lần bị người Đàng Trong đánh cho thua tan tác. Tình cảnh này chắc
còn diễn ra nếu lũ người bị thiến hoạn này còn được trọng dụng. Đây là một
cản trở lớn trong nỗ lực chinh phục Đàng Trong - một đất nước mà dân số
chỉ đáng một nhúm tay nếu ta so sánh với dân số của vương quốc Đàng
Ngoài.
Người Đàng Ngoài đặt nhiều niềm tin vào bộ binh hơn vào kỵ binh và
tượng binh bởi lẽ địa hình ở đây ẩm thấp, nhiều sông, suối và đầm hồ nên kỵ
binh và tượng binh không hữu dụng lắm.
Quân lính Đàng Ngoài thật sự là những xạ thủ cừ khôi. Tôi tin rằng họ
chẳng kém mấy ai và chắc chắn hơn hẳn nhiều dân tộc khác trong kỹ nghệ
bắn súng nhanh và chính xác.
Súng kíp không phổ biến trong quân sĩ Đàng Ngoài nhưng cung tên thì
được họ sử dụng một cách thuần thục đến mức phải ngưỡng mộ.
Nhìn chung binh sĩ Đàng Ngoài học binh lược từ rất sớm và rất tinh thông
về vũ khí. Người Đàng Ngoài không có các giống ngựa lớn nên họ phải
đành lòng cưỡi những giống ngựa nhỏ nhưng khá nhanh nhẹn.
Voi được huấn luyện để tham chiến và - trong chừng mực mà loài vật này
có thể chịu đựng được - không sợ những tình huống chiến trận như lửa cháy
và tiếng gầm của súng. Với pháo hoa thì voi chẳng sợ hãi gì.
Tài chính quốc gia - hay các nguồn thu của phủ Chúa - gồm các nguồn
sau đây: tiền bán quan tước, tiền phạt thu được từ các quan hay từ các loại
hình phạt khác, một phần mười hàng lậu, một phần lớn từ tài sản của các
quan qua đời (Chúa là người thừa hưởng toàn bộ tài sản của bọn hoạn quan
qua đời), thêm vào là những khoản thu bất thường như nguồn thu từ những