Chương XIII
Không có lễ đăng quang lên ngôi của Vua như ông Taverniere
mô tả
C
uốn sách của ông Taverniere chất chứa vô số sai lầm và chương thứ
XIII có thể coi là sai từ đầu đến cuối. Tôi đã bỏ công sức và thời gian tìm
hiểu qua rất nhiều người có địa vị và có học thức ở Đàng Ngoài nhưng
không nghe ai nói đến chuyện nghi lễ trang nghiêm và long trọng trong dịp
Vua lên ngôi mà Taverniere cho rằng được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Tôi
e là ngay bản thân người Đàng Ngoài cũng chưa từng bao giờ chứng kiến
một lễ đăng quang nào trong số các đức Vua của họ.
Người dân bản xứ cho tôi biết rằng họ không có thói quen tô vẽ bề ngoài
sang trọng cũng như sự phô trương thái quá. Khi Vua hoặc Chúa qua đời,
dân chúng trong toàn vương quốc không được trưng ra những gì thể hiện sự
mừng vui hay xa hoa, tỉ như đeo vàng bạc hay chưng diện quần áo xa xỉ.
Mặt khác, những người dùng nó sẽ phải chịu rất nhiều điều tai tiếng. Quan
lại cũng vậy, trong lúc quốc tang không được mặc trang phục xa xỉ, không
được cưỡi ngựa, không được cưỡi voi, đi kiệu, nằm võng cáng... Trang phục
càng thô ráp và bần tiện càng được đánh giá là đúng mực, đặc biệt đối với
những người có phẩm trật cao và những người cùng huyết thống. Cùng với
đó là nhiều quy định khác nữa.
Lễ nghĩa duy nhất mà quan lại thực hiện trong dịp này là quỳ lạy trước vị
tân Vương - người sẽ mời quan lại vài món ăn nhưng không xa hoa như
những dịp lễ mừng công khác bởi lúc này ông đang phải để tang người cha
quá cố. Ai đó sẽ hỏi không biết người ta có tổ chức đăng quang cho Vua
(người mà ở thời điểm hiện tại chẳng có mấy hứng thú với chuyện quốc gia
đại sự) một cách trọng thể và tráng lệ hay không? Chắc chắn rằng họ sẽ tổ
chức đến một mức độ nào đó, tương tự như tổ chức cho Chúa khi ông lên
nắm quyền. Dù là tiếm quyền của Vua Lê, Chúa vẫn chi phối mọi việc và
nhìn chung ông vẫn là người được kính trọng và sùng bái nhất.