nhân vật hằng ngày gắn bó với mình, ít ra là trên phương diện quan sát
thuần túy, để định hình họ trong tâm trí mình. Một trong những nhân vật
như thế sẽ phủ bóng lên cuộc đời chúng tôi và sẽ còn bám theo chúng tôi cả
khi ông ta biến mất khỏi thế gian này.
Tuy nhiên, trên tổng thể, với những gì liên quan đến gia đình mình
một cách rõ ràng, tôi không thể dễ dàng chấp nhận nội dung cuốn sách như
nguyên bản. Nhưng tôi có thể làm được gì để nói với những ai đã đọc Mối
Chúa rằng, nhiều sự thật về gia đình tôi không phải như cuốn sách mô tả?
Đó hầu như là một việc làm vô vọng! Bởi tuy tác giả lấy khuôn mẫu từ
chúng tôi, bao gồm cả những sự kiện liên quan với nhiều người (rồi quý vị
sẽ thấy), lẫn các chi tiết đời tư có khả năng chỉ dẫn cho bạn đọc rằng đó là
chúng tôi, không thể chệch đi đâu được, nhưng xét đến cùng thì họ vẫn
không phải là chúng tôi trên phương diện pháp lý! Không thể quy tội bôi
nhọ, vu cáo người khác cho tác giả, để bắt ông ta phải chịu trách nhiệm nào
đó. Tính chất nguy hiểm này của văn chương đã khiến nó bị cảnh giác và
trả giá đau đớn suốt chiều dài lịch sử kể từ khi xuất hiện - tôi đọc được ở
đâu đó điều này. Nhưng nguy hiểm hơn lại ở chỗ, ngay cả một bạo chúa có
thể đốt cháy thành La Mã chỉ trong một đêm, có thể treo cổ bất cứ gã văn
nhân hay triết gia nào, cũng bất lực tuyệt đối trước việc bắt mọi người chối
bỏ hoặc không tin cuốn sách văn học nào đó đã khiến ông ta nổi điên. Bạo
chúa còn thế huống hồ tôi! Cuối cùng tôi đi đến quyết định viết lại về bố
mình, bằng hẳn một cuốn sách khác.
Chính là bản tường thuật mà quý vị sắp đọc.
Đây là công việc cực kỳ khó khăn bởi sau khi mọi việc xảy ra (chính
là nội dung mà tôi kể lại của cuốn tường thuật này, mong bạn đọc kiên nhẫn
chờ), tôi trở thành đối tượng bị báo chí, các đối tác săn lùng khắp nơi.
Nhưng khó khăn còn ở cả khía cạnh tâm lý. Liệu rồi chính tôi có làm tồi tệ
hơn hình ảnh của bố mình so với chân dung của ông trong Mối Chúa, nếu
giả sử những kể lại này thiếu đi bố cục nghệ thuật, rời rạc và nhạt nhẽo,