soạn món vừa nói chuyện. Diệu kể về nơi cô học, những lần đi dã ngoại, về
một vài người bạn đã từng qua căn nhà này. Còn tôi thì ngoan ngoãn chờ để
được cô sai bảo. Tôi cũng kể sơ qua về những lần đi dã ngoại khi còn ở
châu Âu. Diệu không ra vẻ quan tâm nhưng rõ ràng là cô nghe không sót
một lời, nhất là đoạn tôi kể về cô bạn gái mà chúng tôi đã chia tay.
Khi mâm cơm dọn ra, lần đầu tiên tôi thấy mặt ông Bích mất hẳn
những nét ưu tư cố hữu. Có chút rượu vào, ông cũng khá lắm lời. Ông công
khai hỏi thăm tôi về nghề nghiệp, gia đình, những dự định cho tương lai.
Khi tôi nói, vì mải học hành nên vẫn chưa có cơ hội lập gia đình, thì ông
thoáng một chút nghĩ ngợi rồi chuyển ngay đề tài chê trách cô con gái rượu
cũng vì mải học mà chểnh mảng việc gia đình khi chưa thấy dẫn về đứa
bạn trai nào cho ông xem mặt. Nghe bố nói, cô sinh viên chỉ khẽ mím môi,
không ra phản đối mà cũng chẳng hưởng ứng.
- Mẹ nó mất, chỉ còn nó và tôi, nếu nó có bạn trai thì tôi cũng có bạn
trong những dịp như thế này.
Tôi vờ hùa theo ông Bích:
- Cháu hoàn toàn ủng hộ chú. Chỉ sợ rồi chú phải nuôi cả đàn chó, bởi
mình chú đuổi không hết.
Lần này thì Diệu hơi bĩu môi, gắp cho chúng tôi mỗi người một cái
đùi ếch tẩm bột rán, như muốn bảo: ăn đi và để tôi yên.
Tôi hoàn toàn chiếm được cảm tình của ông Bích. Ông rắt đầu cởi gan
ruột, như một người đã tìm thấy bạn tâm giao. Trong một cơn hứng lên lúc
sắp chia tay, ông bảo:
- Mày muốn biết về cái dự án nhà máy thép à, chú sẽ cho mày mượn
tập hồi ký kia, với điều kiện chỉ mình mày đọc, khi nào xong thì đem trả
cho chú ngay.